Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày Chiến thắng nâng cao tinh thần người Nga

Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng là dịp để người Nga nhớ lại những thắng lợi và tổn thất của dân tộc trong Thế chiến thứ hai, tạo sức mạnh tinh thần để họ đối mặt với khó khăn hiện tại.

Binh sĩ Nga mặc quân phục thời Thế chiến II
Binh sĩ Nga mặc quân phục thời Thế chiến II trong buổi tập dượt hôm 7/5 để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng hôm 9/5. Ảnh: AP
Nếu thực hiện cuộc gọi tới điện thoại của Nikolai Podchasov, một sinh viên ngành lịch sử tại Nga, trong những ngày gần đây, bạn sẽ nghe giai điệu của Katyusha - một bài hát thời chiến rất nổi tiếng - trong lúc chờ anh trả lời.

"Tôi thích bài hát ấy", chàng sinh viên 22 tuổi nói. Để biến giai điệu Katyusha thành nhạc chờ, Podchasov chỉ cần quay số 1945. Đây là một hình thức quảng bá Ngày Chiến thắng.

Trong những ngày cận kề lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng, các biểu tượng chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai xuất hiện khắp nước Nga. Phụ nữ đính dải băng màu cam - đen tượng trưng cho thánh George, vị thánh bảo trợ của nước Nga, lên túi xách. Đài truyền hình phát sóng bản tin thời chiến sau chương trình tin tức buổi tối. Người dân dán tờ giấy với dòng chữ "Đến Berlin!" lên cửa kính sau ô tô, AP đưa tin.

Ngày 9/5 là dịp lễ quan trọng nhất ở Nga, là thời điểm người dân thuộc mọi thế hệ hay có những quan điểm chính trị khác nhau thể hiện sự đoàn kết.

Điện Kremlin cũng tận dụng ký ức về chiến thắng của Hồng quân nhằm khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế. Tổng thống Vladimir Putin dựa vào lòng yêu nước của người dân để đoàn kết dân tộc trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga.

Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng là phương tiện hoàn hảo để tập hợp người dân trên tinh thần vì lợi ích quốc gia.

"Ngày Chiến thắng là cơ hội để Nga tự khẳng định vị thế. Đây chẳng những là thắng lợi của Liên Xô đối với Đức Quốc xã, mà còn là thắng lợi của họ với phương Tây. Nó là tuyên bố về sức mạnh và quá trình trở thành siêu cường của Nga", nhà xã hội học Lev Gudkov, giám đốc Trung tâm Thăm dò dư luận độc lập Levada, bình luận.

Đối với sinh viên ngành Lịch sử Nikolai Podchasov, lễ kỷ niệm là dịp tôn vinh những người đã hy sinh vì đất nước. Ảnh: AP

Phần lớn người Nga háo hức tham gia các chương trình thể hiện lòng yêu nước do chính phủ tài trợ như đeo băng Thánh George, biểu tượng gắn liền với chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Tỷ lệ người dân ủng hộ ông Putin tăng tới mức 80% dù lạm phát tăng và phương Tây ngày càng cô lập Nga.

Putin kể về mất mát của gia đình trong Thế chiến II

Cha Tổng thống Nga Vladimir Putin sống chung với những mảnh đạn trong chân đến cuối đời. Anh trai ông chết vì bệnh bạch hầu khi còn nhỏ.

Olga Gref, một giáo viên lịch sử 37 tuổi, nhớ rằng bà cô, người đã qua đời năm ngoái, luôn coi việc theo dõi lễ diễu binh là một truyền thống, đồng thời là dịp để hoài niệm và rơi nước mắt. Đối với những người cùng thế hệ với cô, lễ diễu binh mang ý nghĩa giải trí nhiều hơn.

Nhưng Ngày Chiến thắng khiến Gref cảm động vì nó gợi nhớ khoảng thời gian bà của cô cùng gia đình, bạn bè hồi tưởng về những người đã mất và những người đang sống. 

"Tôi luôn cảm thấy đau đớn, giống như một khối u mắc kẹt trong cổ họng hay dòng nước mắt chảy dài", cô nói.

Người Nga bắt đầu hiểu rõ hơn về Chiến tranh thế giới thứ hai từ cuối thập kỷ 80. Thời đó, người ta nói chuyện cởi mở hơn về những vấn đề của nhà lãnh đạo Josef Stalin. 

Gref cho rằng cách tốt nhất để lưu giữ ký ức về những đau khổ và hy sinh trong chiến tranh là tìm hiểu sâu lịch sử gia đình.

Trong một buổi học gần đây, các em học sinh lớp 8 của cô mang theo kỷ vật từ nhà và kể câu chuyện chiến tranh trong gia đình. Chúng phác họa một bức tranh phức tạp hơn nhiều so với thông tin lịch sử trong các tài liệu chính thức.

Olga Gref, một giáo viên lịch sử, cho biết bà của cô luôn coi lễ diễu binh là hoạt động truyền thống trong khi đối với thế hệ sau như cô, nó mang ý nghĩa giải trí nhiều hơn. Ảnh: AP

Một học sinh kể rằng ông cố của cậu là chỉ huy trong trận vòng cung Kursk năm 1943. Cụ của một học sinh khác không tham gia chiến tranh vì phải làm việc trong trại cải tạo lao động Gulag. 

"Những câu chuyện giúp các em hiểu hơn về cuộc chiến. Chúng ta cần phải nói rõ hơn về bản chất mâu thuẫn, sự phức tạp của chiến tranh, để các em biết chiến thắng luôn song hành với vô vàn đau thương và những chiến tích không minh bạch", Gref nói.

Theo kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada, vào năm 2014, tỷ lệ người Nga tin rằng Liên Xô có thể tự giành chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai tăng lên 69%. Trong năm 2010, tỷ lệ này là 57%.

Xe tăng, pháo kéo Nga diễn tập mừng Ngày Chiến thắng

Hàng nghìn binh sĩ, xe tăng, xe bọc thép và pháo binh Nga tham gia buổi diễn tập đầu tiên tại Sevastopol để chuẩn bị cho lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng Phát xít hôm 9/5.

Podchasov, người sắp tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow, nói rằng anh thích mọi hoạt động trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng. "Đến Berlin!" là thông điệp mà Hồng quân dán lên xe tăng trong thời kỳ chiến tranh.

"Nó không mang ý nghĩa chống Đức mà chỉ là thứ gì đó vui nhộn", Podchasov nói.

Chàng sinh viên nhận định rằng lễ kỷ niệm là dịp tôn vinh những người đã hy sinh vì đất nước. Với anh, đó là lý do cao quý nhất. 

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm