Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ngày 210': Một thể nghiệm văn chương táo bạo

"Ngày 210" được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1096 tại Nhật Bản. Một cuốn sách nhỏ, dày chưa đến 100 trang, nhưng lại chứa đựng trong đó sức nặng ghê gớm.

Câu chuyện trong Ngày 210 kể lại quả thật rất đơn giản. Kei và Roku là hai người bạn thân nhưng có tính cách trái ngược nhau, đang trên đường đi leo núi Aso, vào ngày 210 (ngày âm lịch của Nhật nghĩa là một ngày bão tố). Trên đường đi, họ bắt đầu trò chuyện với nhau tất cả mọi chủ đề, từ những chuyện riêng tư cá nhân như gia đình, công việc đến những chuyện của xã hội, quan điểm, thời đại. Họ tranh cãi với nhau khá gay gắt nhưng cũng không kém phần hài hước và vui vẻ thể hiện những suy nghĩ khác nhau trong cách nhìn nhận của mỗi người.

Văn bản tiểu thuyết gần như được đặt hoàn toàn trong các hình thức của một cuộc đối thoại mở rộng, phân chia ra thành các chương, giống như các tập phim. Soseki dùng hình thức đối thoại để mô tả lại tất cả mọi việc đang diễn ra, nhưng những hình ảnh sự việc không vì thế mà mất đi sự nổi bật, sắc nét, mà ngược lại, qua cuộc đối thoại của Kei và Roku, mọi thứ trở nên sống động vô cùng.

Ngay 210 anh 1
Ngày 210 của tác giả Natsume Soseki.

Theo dõi cuộc đối thoại dài của họ trong suốt cuộc hành trình leo núi, người đọc có lúc sẽ cảm thấy bị đứt hơi vì mệt, thở hổn hển như chính mình đang được đặt trong cái căng thẳng ấy, nhưng Soseki vẫn luôn là một nhà văn rất giỏi trong việc gợi ra những điều hài hước, hóm hỉnh để giải tỏa sự căng thẳng. Bởi vậy không ít lần người đọc sẽ phải bật cười, lắc đầu, rồi lại gật đầu bởi tâm đắc vô cùng.

Có một đoạn rất thú vị trong cuốn sách, khi hai người bạn yêu cầu đầu bếp của nhà trọ nấu cho món trứng chỉ luộc chín một nửa, sau đó cô ta mang lên một phần trứng chín hẳn và một phần trứng sống hoàn toàn. Phân đoạn đối thoại hóm hỉnh giữa ba người trong cảnh huống ấy khiến câu chuyện trở nên thú vị, và khắc họa đậm nét phong cách sắc sảo, thông minh của Soseki mà độc giả vẫn thường thấy trong các cuốn sách khác của ông.

Soseki vốn được xem là “một con tắc kè hoa” trong văn hóa, tức là luôn luôn biến đổi chứ không bao giờ chịu đóng khung mình trong những hình thức lặp lại. Người mới đọc Soseki hẳn sẽ có chút ngỡ ngàng nếu biết rằng một Gối đầu lên cỏ mong manh đẹp đẽ như hư ảo, và một Tôi là con mèo sắc sảo, hài hước, giễu nhại lại đều do một Soseki tạo nên.

Ngay 210 anh 2
Văn hào người Nhật 

Natsume Soseki (1867 - 1916). Ảnh: japantimes

Ngày 210 có lẽ là cuốn sách thể hiện sự đổi mới quyết liệt nhất trong suốt thời gian sáng tác của Soseki. Với lối viết thể nghiệm mới, khi sáng tác cả một tiểu thuyết chỉ bằng những trường đoạn đối thoại dài liên tục, Soseki không những tạo được sự mới mẻ, mà còn đề cập được rất nhiều vấn đề sâu sắc về con người, thời cuộc của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Kết thúc cuốn sách, người đọc không hề biết rằng Kei và Roku rốt cuộc có tiếp tục đi đến đỉnh của ngọn núi lửa Aso ấy không. Chỉ có một cõi bụi mù thẫm sương mở ra trước mắt. Ấy cũng là một cái kết rộng mở như dư âm đọng lại trong những bài thơ haiku rất ngắn trong văn học Nhật.

Ngọn núi lửa Aso mà Kei và Roku cố gắng chinh phục không đơn thuần chỉ là hình ảnh thực được Soseki tái hiện lại, nó còn trở thành một biểu tượng ẩn dụ, chất chứa nhiều suy nghiệm của bản thân tác giả. Những người đã từng đọc Soseki cũng sẽ vẫn ngạc nhiên bởi sự biến hóa khôn lường của nhà văn tài hoa này. Riêng với những ai lần đầu tiếp xúc với Soseki qua cuốn sách này chắc chắn sẽ thích thú, không chỉ bởi sự mới mẻ, sự mạnh mẽ, súc tích mà nó còn cho độc giả một cái nhìn sâu sắc vào cuộc sống và công việc mà Soseki theo đuổi suốt đời.

Ngoài cuốn Ngày 210 mới được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam năm 2016, Soseki còn một số cuốn sách rất xuất sắc đã được dịch ở Việt Nam như Tôi là mèo, Nỗi lòng, Cậu ấm thơ ngây, Gối đầu lên cỏ… Ông được coi là một trong ba nhà văn trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản cùng với Ogai Mori và Akutagawa Ryunosuke. Để Tôn vinh những cống hiến của Natsume Sōseki cho sự nghiệp hiện đại hóa nền văn học Nhật Bản, chân dung của ông được Chính phủ Nhật Bản in trên đồng tiền giấy một nghìn Yên phát hành suốt từ năm 1984 đến năm 2004.

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm