Từ hơn trăm năm trước, nhà văn khoa học viễn tưởng huyền thoại H. G. Wells đã nhìn lên mặt trăng và tự vấn: có chăng một ngày loài người đặt chân lên trên đó? Và khi đến nơi, ta sẽ được chứng kiến những gì? Trong thời đại công nghệ khoa học chưa đủ sức đưa ra câu trả lời, H. G. Wells mượn văn chương làm phương tiện đi tìm lời đáp. Tác phẩm Tiên phong lên Mặt trăng đã ra đời như thế.
Truyện theo bước chân Bedford, một doanh nhân vì làm ăn lụi bại mà phải về quê viết kịch. Sau khi tình cờ làm quen với Cavor, một nhà khoa học hơi "có vấn đề" và được nghe về công trình nghiên cứu chất chống lực hấp dẫn Cavorite, Bedford nảy ra ý tưởng lớn: hợp tác với Cavor chế tạo thành công Cavorite, và từ đó xây dựng một đế chế công nghệ chống lực hấp dẫn đồ sộ.
Sau một thời gian lao lực miệt mài, họ đã mày mò ra công thức tạo Cavorite. Tuy nhiên, đến lượt Cavor khiến Bedford phải sững sờ với đề xuất hết sức điên rồ: dùng Cavorite để lên Mặt Trăng thám hiểm. Sau một hồi dùng dằng thuyết phục, cuối cùng Bedford cũng đồng thuận làm theo kế hoạch của Cavor. Và thế là bộ đôi kẻ hám tiền, người đam mê tri thức ấy cùng nhau dấn thân vào một hành trình kỳ ảo lạ thường, đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, từ hiểm nguy này sang hiểm nguy khác.
Liệu rằng họ có đạt được mục đích của mình sau chuyến đi này hay không? Liệu rằng có ai trong bọn họ toàn mạng trở về được hay không?
Tác phẩm Tiên phong lên Mặt trăng của nhà văn H.G.Wells. |
Cuốn sách là những màn phiêu lưu hành động kịch tính, song cũng không thiếu phần hài hước tưng tửng, những khung cảnh kỳ khôi được hiện thực hoá từ đầu óc tưởng tượng của một nhà văn bậc thầy, Tiên phong lên Mặt trăng còn là một phép ẩn dụ sâu xa giữa lòng tham (Bedford) và sự khát khao tri thức (Cavor) của con người trong xã hội bấy giờ, cũng như luận bàn về bản chất con người tính bản thiện hay bản ác, và liệu rằng chúng ta có xứng đáng được cứu rỗi hay không. Tất cả các yếu tố trên cùng đan xen nối kết với nhau, tạo thành một cuốn sách nhiều cung bậc nhưng hài hoà.
Dù đã hơn một thế kỷ trôi qua, và thời gian đã phần nào khiến tác phẩm không còn giữ được sự mới mẻ như những năm đầu được văn giới tán dương, nhưng tác phẩm vẫn còn nhiều giá trị đọng lại. Cho dù khẩu vị đọc của bạn hợp với truyện giải trí thông thường hay đi vào những phạm trù sâu hơn về bản chất con người, Tiên phong lên Mặt trăng cũng là một gợi ý không tồi.
Herbert George Wells (21/09/1866 – 13/08/1946), thường được gọi là H. G. Wells, là nhà văn Anh nổi tiếng với các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Ông được mệnh danh là “cha đẻ của khoa học viễn tưởng,” với tầm ảnh hưởng ngang hàng Jules Verne và Hugo Gernsback. Các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm Cỗ máy thời gian (1895), Hòn đảo của Bác sĩ Moreau (1896), Người vô hình (1897), Chiến tranh giữa các Thế giới (1898), và Tiên phong lên Mặt trăng (1901). Rất nhiều tác phẩm của ông đã mở ra dòng văn mới trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Ông từng 4 lần được đề cử giải Nobel Văn Học.