Le Clezio là nhà văn thường viết về những kẻ bên lề của xã hội trong những cơn di cư buồn thảm bởi cái đòi và sự nghèo khổ. Nhưng hơn bất kỳ một con người nhân hậu nào, ông dấn thân vào khai phá thế giới của những kẻ vốn chẳng ai quan tâm ấy, rồi đặt những nhân vật của mình vào một miền từ do thơ mộng đầy hoang dại và quyến rũ. Những nhân vật của ông vì thế có khả năng vượt thoát khỏi hoàn cảnh trần trụi của hiện thực, những phù phiếm hư ảo mà tự do hưởng thụ những điều lãng mạn nhất, đẹp đẽ nhất trong đời sống này.
Lần này, ở Lũ mục đồng, Le Clezio đưa người đọc về một miền trôi dạt của những đứa trẻ, với ăm ắp những tủi buồn nhưng điều nảy mần lên đẹp đẽ nhất lại vẫn là những tâm hồn quá thơ ngây, và yêu mến vô cùng cuộc đời này.
Cuốn Lũ mục đồng của Le Clezio. |
Lũ mục đồng bao gồm tám truyện ngắn, đưa người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, đi từ sự vui tươi, sang đến cảm giác luyến tiếc, buồn bã để rồi cuối cùng có người sẽ bật khóc vì thấy được rằng những đứa trẻ của Clezio mới đẹp làm sao, chúng giống như những hoàng tử bé, đi lại giữa tinh cầu trái đất, ngơ ngác, trong lành và không ngừng nghỉ những giây phút khám phá vẻ đẹp bé nhỏ của trái đất.
Truyện ngắn đầu tiên của tác phẩm viết về một đứa trẻ mồ côi, Mondo, lang thang trong thị trấn, nhưng thằng bé sống như một kẻ du mục tự do. Nó nhìn cuộc sống bằng nét thơ ngây vô cùng đẹp đẽ. Nó “thích vẻ đẹp của những giọt nước li ti bay lên rồi lại rơi xuống các thùng xe và kính chắn gió”, nó thích đi ngắm biển giữa trời mưa, thích đi dạo dọc con đê chắn sóng, thích ngắm như khu vườn đầy hoa lá… Nó khiến biết bao người yêu quý, và Mondo thường hỏi mọi người “Có ai muốn nhận nuôi cháu không?”… Giữa cái đẹp đẽ thơ mộng ấy, nỗi sầu muộn vẫn từ ấy mà nhói lên day dứt.
Rồi Mondo biến mất, và câu hỏi của cậu liệu có một người lớn nào còn nhớ hay nó cũng đã tan nhòa vào biển sâu, như sự biến mất của cậu. Chỉ còn lại những khoảnh khắc ngắn ngủi đọng lại ở một nơi rất sâu trong tâm trí mỗi người đã từng gặp gỡ cậu.
Trong truyện ngắn Cậu bé chưa bao giờ thấy biển, Daniel vì khao khát được ngắm biển, được sống trong biển nên đã bỏ trốn khỏi ký túc xá và bắt đầu cuộc hành trình của mình. Cậu tìm đến biển, được biển ôm ấp, biển nuông chiều cho cậu chiêm ngưỡng thế giới của biển, và từ đó cậu nguyện ở lại với biển. Câu chuyện của Daniel được Clezio kể bằng một giọng kể hư thực, mờ ảo, để người đọc vừa tin rằng đây là câu chuyện có thực, lại vừa nghĩ rằng, nó chỉ là một giấc mơ đẹp đẽ. Nhưng dù đó là mơ hay thực thì biển và Daniel vẫn là một hình tượng đẹp đẽ nâng giấc sự lãng mạn trong mỗi người đọc.
Bên canh Mondo và Daniel thì những đứa trẻ trong các truyện ngắn còn lại, như Lullaby trong Lullaby, Jon và đứa trẻ không tên trong Núi của thánh sống, Juba trong Bánh xe nước, Ali trong xứ Hazaran, Petite Croix trong Người của trời, Caspar trong Lũ mục đồng, đều gợi nên những dư âm êm đẹp của đời sống, mà đôi khi người lớn hoàn toàn không bao giờ có thể nhận ra được. Đó là cái kỳ diệu nhất trong tâm hồn của những đứa trẻ, dù chúng là những đứa trẻ đói nghèo lang thang.
Một nhân vật rất quan trọng trong tập truyện ngắn Lũ mục đồng được Clezio rất dụng công xây dựng, ấy là Biển. Biển xuất hiện hầu hết trong các không gian truyện. Biển là nơi mà những đứa trẻ sống kề cận (Mondo), là nơi mà chúng tha thiết muốn đến, muốn nhìn thấy, muốn sống trong lòng nó (Cậu bé chưa bao giờ thấy biển), là nơi chúng có thể ngồi cả ngày chỉ để ngắm con sóng lên xuống (Lullaby)… Biển là một niềm xoa dịu có sức an ủi vô cùng với những đứa trẻ của Clezio, cũng giống như đóa hoa hồng đẹp đẽ của hoàng tử bé.
Lũ mục đồng của Le Clézio thực là một bản nhạc quyến rũ. Ngôn ngữ của ông giản dị và hồn nhiên như trong thế giới của những câu chuyện cổ tích. Nó mời gọi người đọc chìm đắm trong sự yên tĩnh, sự mơ mộng và thi vị, trong sự trầm ngâm đắm say. Văn chương của ông, vì thế là một thứ văn chương len lỏi vào nơi cùng sâu nhất, mà kể về những thứ đẹp đẽ tưởng chừng như đang dần mất đi ở mỗi con người.