Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ngập không lối thoát ở Thảo Điền

Ba trục đường chính đi vào bán đảo là Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương đều ngập sâu. Chỉ một cơn mưa, người dân Thảo Điền không còn lối về nhà.

chong ngap o Thao Dien anh 1

Với anh Phạm Văn Long (49 tuổi), TP.HCM có 2 mùa: mùa ngập và mùa không ngập. Chia như thế bởi mùa ngập tương đương với mùa thu nhập thấp, buôn bán được ít hơn mà lại tốn tiền sửa xe nhiều hơn.

Gần 3 năm di cư từ Hòa Bình vào TP.HCM cũng là 3 năm anh Long bán đồ ăn vặt trước cổng trường Đại học Văn hóa (phường Thảo Điền, quận 2). Anh Long nói đùa Thảo Điền được tiếng là “khu nhà giàu” nhưng anh thấy còn không bằng “khu nhà nghèo” Bình Chiểu (quận Thủ Đức) nhà anh.

“Chỗ mình phải mưa lớn lắm mới ngập, mà ngập 20 phút là nước rút. Còn khu này, mưa 5-10 phút đã ngập ngang bắp chân, hôm mưa nhiều thì có khi phải hơn 2 tiếng nước mới rút, không đi đâu được”, anh Long kể.

Mắc kẹt ở Thảo Điền

Có ngày 2h30 sáng anh Long mới về tới nhà do “mắc kẹt ở Thảo Điền”. Thường ngày, anh đi bán từ 15h đến 23h, nhưng những hôm trời mưa tối, nước rút chậm, người và xe chôn chân tại chỗ, muốn đi cũng đi không nổi.

“Thường nước ngập ngang bánh xe, nhưng mưa lớn thì ngập cả bánh, mình không kịp đưa xe lên chỗ cao thì bugi bị ngâm nước là hỏng xe luôn. Phải sửa mới về được nhà”, anh Long phân trần. Khi mới vào TP.HCM, chưa quen với ngập, anh Long đã “mắc kẹt” ở khu nhà giàu này không biết bao nhiều lần. Làm một thời gian, anh có kinh nghiệm hơn. Nếu trời tối đen, dự mưa lớn, anh sẽ chuyển sang những khu không ngập để đứng bán tiếp.

Gần 3 năm bán hàng, đẩy không biết bao nhiêu lượt xe giúp dân thoát ngập, anh Long đúc kết rằng "mình vẫn may mắn chán". Mùa mưa, anh chỉ bị chôn chân ở đây một lúc, còn cư dân Thảo Điền thì mắc kẹt ở rốn ngập từ ngày này qua tháng khác.

chong ngap o Thao Dien anh 2

Cư dân Thảo Điền thường xuyên khốn khổ vì cảnh ngập nước. Ảnh: Chí Hùng.

Chị Hà (48 tuổi, đường Nguyễn Văn Hưởng) là một trong những hộ dân như vậy. TP.HCM có 2 kiểu ngập, ngập do mưa và ngập do triều. Nhà chị hưởng trọn cả hai. Những ngày triều cường đạt đỉnh, đường Nguyễn Văn Hưởng ngập gần tới đầu gối, nhà chị phải mua bao xi măng về chặn trước cửa như bờ kè để nước không tràn vào nhà.

Theo trí nhớ của chị Hà, những năm 2003-2004, khu Thảo Điền mới bắt đầu có hiện tượng ngập và từ đó tình trạng ngày càng “trầm trọng” lên. Nhà dân đua nhau nâng với mặt đường để “né ngập”. Mấy năm gần đây, chị nghe nói thành phố có lắp đặt trạm bơm và máy bơm để thoát nước, chống ngập cho khu này nhưng chị thấy vẫn không thấm thoát gì.

“Chỗ đường Quốc Hương (đoạn từ số nhà 65 đến 79 - PV) trước cũng ngập lắm, là điểm ngập thường xuyên của khu này. Nhưng từ khoảng 2-3 năm nay, sau khi nâng đường và thay đường cống thì tôi thấy đoạn đấy không còn ngập nữa. Hy vọng là nhà mình cũng sớm thoát ngập được như vậy”, chị Hà chia sẻ.

Muốn giải ngập phải có hồ điều tiết

“Bài toán ngập cho khu Thảo Điền thì phải chờ Dự án Bờ tả sông Sài Gòn. Bao giờ xong dự án đấy thì Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng…mới hết ngập”, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, nói với Zing.

Ông Điệp cho biết giải quyết ngập do mưa đã có trạm bơm. Hiện, khu Thảo Điền có 1 trạm bơm 1.000 m3 và 2 máy bơm 250 m3 do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM lắp đặt nhằm "giải ngập" cho khu vực này. Còn ngập do triều sẽ được cải thiện nhờ Dự án Bờ tả sông Sài Gòn.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật lý giải khu Thảo Điền như một bán đảo, tiếp giáp với sông Sài Gòn nên phải có bờ kè ngăn thủy triều không vào thì mới hết ngập. Dự án Bờ tả sông Sài Gòn có nhiệm vụ này. Cụ thể, các cửa sông sẽ có van ngăn triều lại, khi triều lên nó sẽ hạ xuống, không cho triều vào.

chong ngap o Thao Dien anh 3

Cơ quan quản lý cho rằng TP.HCM sẽ hết ngập khi có bơm và van ngăn triều, chuyên gia lại khẳng định phải có hồ điều tiết chống ngập mới hiệu quả. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhận định về giải pháp này, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng để chống ngập thì van ngăn triều hay bơm đều không thể hiệu quả cao nếu thiếu hồ điều tiết.

TS Phi lý giải bản chất của việc ngập là do cống không thoát được nước. Vậy nên, khi mưa gặp triều cường thì nước không có chỗ trữ và dồn vào chỗ trũng thấp như đường sá, nhà dân. Theo ông Phi, chống ngập do triều chỉ hoạt động tốt nếu có không gian trữ nước mưa ven sông.

Cụ thể, nước mưa từ cống dồn về không thể thoát ra sông do van triều đã đóng lại, khi đó bắt buộc phải dùng bơm. Tuy nhiên, hệ thống bơm hiện tại ở nhiều khu vực được lắp đặt không hợp lý, hầu hết trực tiếp bơm từ cống ra sông, không có bể chứa nước trong khi cấu tạo của các trạm bơm thủy lợi phải có bể chứa lớn để nước chảy về rồi mới bơm nước đi.

Bơm trực tiếp từ cống không hiệu quả bởi khả năng thoát nước của bơm lớn nhất chỉ bằng lưu lượng của cống. Trong khi để máy bơm mới phát huy hết công suất thì phải bơm từ bể chứa có lượng nước lớn. Do đó, giải pháp ngắn hạn cần làm là tạo ra không gian, dù là hầm hay ao hồ, để trữ nước mưa từ cống rồi bơm ra, khi đó, chống ngập mới hiệu quả.

"Hiện nay, cái thiếu chính là những hồ điều tiết trung gian như vậy. Hồ điều tiết cho những khu vực này là bắt buộc. Nhưng Thảo Điền nhà cửa đã chiếm hết không gian, không còn chỗ nữa. May ra có thể làm ngầm”, TS Phi đề xuất.

Giảm thiệt hại do ngập thay vì chống ngập

TS Phi chỉ ra rằng một phần nguyên nhân khiến ngập nước kéo dài, khó giải quyết là thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa “ông phát triển đô thị và ông chống ngập”. Cơ quan chống ngập thật ra chỉ là "nạn nhân" loay hoay theo đuôi giải quyết hậu quả của phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tăng cống, tăng đê, tăng máy bơm, tăng hồ điều tiết chỉ nhằm kiểm soát khả năng ngập trong khi giải pháp căn cơ hơn là làm thế nào để giảm thiệt hại do ngập.

“Nếu ngập mà không có thiệt hại thì coi như không ngập. Ngập ở chỗ nào đó do mình dựng sẵn hoặc mình bố trí cách xây dựng, sinh kế để không thiệt hại nhiều do ngập thì cũng chẳng phải chống ngập tuyệt đối”, chuyên gia kiến nghị.

chong ngap o Thao Dien anh 4

Thay vì chống ngập, chuyên gia cho rằng cần tư duy theo cách giảm thiệt hại do ngập để tăng sự tham gia của người dân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Phi, nếu tư duy kiểu “chống ngập” thì chỉ một số ít ngành chuyên môn có thể tham gia về mặt kỹ thuật. Nhưng nếu thay đổi cách nghĩ thành “giảm thiệt hại do ngập” thì cả nền kinh tế có thể tham gia và khuyến khích người dân chung tay góp sức vào chuyện chống ngập.

So sánh với việc thải rác ra sẽ có người thu gom, TS Phi cho rằng tư duy phổ biến bây giờ là xả nước ra sẽ có cơ quan xử lý. Ông khẳng định giải quyết bài toán ngập không chỉ cần giải pháp cứng như kỹ thuật mà cần cả giải pháp mềm để thay đổi tư duy xã hội cùng chung tay giảm ngập, thành phố mới có thể thành công.

Ai trả phí thuê máy bơm chống ngập khi chậm sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh?

UBND TP.HCM đề nghị nhà thầu thi công và chủ đầu tư sẽ chịu chi phí thuê máy bơm chống ngập nếu dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh bị chậm tiến độ.

Khi nào TP.HCM hết cảnh mưa là ngập?

Khu vực trung tâm TP.HCM cơ bản hết ngập sau khi các dự án chống ngập hoàn thành. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề về đầu tư hạ tầng và vấn nạn lấn chiếm kênh, rạch cần xử lý.

Thu Hằng

Ảnh bìa: Lê Quân

Bạn có thể quan tâm