Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiến độ giao thông TP.HCM ì ạch do đâu?

Nhiều dự án giao thông "đứng im" từ kỳ họp HĐND này qua kỳ họp HĐND khác. Sở GTVT nói do thiếu vốn, đại biểu HĐND lại cho rằng việc phân bố nguồn lực dàn trải, thiếu khoa học.

80 m2 nhà ông Hồng (huyện Bình Chánh) “dính” phần đất dự án BOT nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương phải giải tỏa trắng. Giai đoạn 1 dự án dài 2,7 km đã khởi công năm 2015. Hai năm sau, ông Hồng nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa được tái định cư.

Lẽ ra dự án này phải hoàn thành cuối năm 2017 nhưng đến nay, công trình mới thi công 12% khối lượng. Còn ông Hồng và những người dân nơi đây vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp.

Trong 75 dự án đang thi công của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - đơn vị được giao quản lý dự án đầu tư xây dựng công tình giao thông thuộc Sở GTVT TP.HCM - thì có 28 dự án phải dừng, 29 dự án thi công cầm chừng vì vướng giải phóng mặt bằng. Hầu hết số này đã hoặc đang chậm tiến độ.

Vốn chỉ đáp ứng 27% nhu cầu

Năm 2017, HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết lùi thời hạn hoàn thành vành đai 2 từ năm 2018 xuống năm 2020. Khi đó, vành đai 2 với chiều dài 64 km vẫn còn 14 km chưa khép kín. Ba năm sau, dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Tương tự, 89 km của tuyến vành đai 3 kết nối TP.HCM với Long An, Bình Dương, Đồng Nai lẽ ra phải hoàn thành trong năm nay nhưng hiện chỉ có 16 km ở Bình Dương hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Hệ thống đường vành đai ì ạch, 5 tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh cũng không khá hơn. Hiện chỉ có cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác. Tuyến Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng, còn 2 tuyến TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vẫn nằm trên giấy.

du an giao thong TP.HCM cham tien do anh 1

Dự án BOT nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 2,7 km làm 5 năm chưa xong. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thiếu vốn một lần nữa là rào cản được Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh bên cạnh nguyên nhân vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư.

“Mặc dù giai đoạn 2016-2020 kỳ vọng nhiều nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng 27%. Rất nhiều công trình nối từ trung tâm thành phố vẫn chưa triển khai được. Nhiều dự án mới ở bước chủ trương đầu tư hoặc tính toán đề xuất chủ trương đầu tư ở kỳ họp sau”, Phó giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng chia sẻ.

Theo ông Bằng, không chỉ vốn ngân sách thiếu mà nguồn vốn ngoài ngân sách (hình thức đối tác công tư PPP) giai đoạn 2016-2020 cũng chỉ đáp ứng 13% so với nhu cầu, với khoảng 16.966 tỷ đồng.

Báo cáo HĐND tại buổi giám sát gần đây, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thẳng thắn nhìn nhận trên cơ sở quy hoạch vùng mà Thủ tướng đã phê duyệt, kể cả đường sắt, cao tốc, TP.HCM “đều trễ hết”.

du an giao thong TP.HCM cham tien do anh 2

Kẹt xe, ngập nước sẽ còn kéo dài tại TP.HCM nếu đầu tư giao thông không cải thiện. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Lâm thừa nhận những năm qua, ngành giao thông được quan tâm, bố trí vốn lớn nhất, chiếm gần 36% tổng nguồn vốn. Theo Nghị quyết 13 năm 2017 của HĐND TP.HCM, vốn đầu tư cho giao thông là hơn 61.000 tỷ trên tổng số gần 172.000 tỷ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Thế nhưng, con số này chưa tương xứng với diện tích đường và quy mô dân số thành phố.

Báo cáo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2030 mà Sở GTVT vừa công bố dự báo giai đoạn 2020-2025, ôtô con tăng bình quân 9,6%/năm còn xe máy sẽ đạt tỷ lệ 890 xe/1.000 dân. Như vậy, năm 2025, nhu cầu sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông 1,55 lần và năm 2030 là 1,6 lần. Thành phố sẽ ùn tắc trầm trọng.

“Hạ tầng giao thông thành phố hiện nay thua, kém thành phố khác và chậm hơn quy hoạch rất nhiều”, ông Lâm nhận định và đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để phát triển hạ tầng.

Quy hoạch dàn trải

Dự án nút giao Mỹ Thủy là một điển hình được nhiều đại biểu HĐND nêu ra nhằm chứng minh việc chậm tiến độ không chỉ do thiếu vốn mà còn bởi sự thiếu chặt chẽ khi đề xuất chủ trương đầu tư, phân bổ nguồn lực dàn trải.

Ở nút giao Mỹ Thủy, đại biểu HĐND Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, chỉ ra lúc đầu, các hộ dân quanh nút giao này đã bị thu hồi đất cho dự án đường vành đai 2. Sau này, thành phố mở rộng quy mô nút giao Mỹ Thủy, các hộ này lại tiếp tục “dính” giải phóng mặt bằng lần nữa.

“Người dân nằm trong khu quy hoạch, giải tỏa 1 lần là họ thấy xót cỡ nào mà còn bị 2-3 lần. Mỗi lần giải tỏa như vậy phải sửa sang lại nhà. Đập, sửa, đập, sửa thì sao an cư lạc nghiệp được”, đại biểu Bình bức xúc nói với Zing.

du an giao thong TP.HCM cham tien do anh 3

Nút giao Mỹ Thủy đội vốn đến hơn 500 tỷ. Ảnh: Lê Quân.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến dẫn lại những lần điều chỉnh tổng mức đầu tư của nút giao thông này và chỉ ra sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch.

Tháng 8/2015, HĐND nhiệm kỳ 2011-2015 đã ban hành Nghị quyết 08 thông qua chủ trương danh mục các thủ tục đầu tư công năm 2015-2018, trong đó có nút giao thông Mỹ Thủy. Nhưng 8 tháng sau, tháng 4/2016, HĐND khóa mới một lần nữa ban hành Nghị quyết 07 điều chỉnh mức đầu tư cho dự án này từ 838 tỷ lên 1.998 tỷ. 5 năm trôi qua, dự án vẫn chưa hoàn thành phần giải phóng mặt bằng, nguy cơ tiếp tục đội vốn.

“Dự án kéo dài như vậy thì liệu có còn điều chỉnh tổng mức đầu tư nữa không?”, ông Tuyến đặt câu hỏi và cho rằng đây chỉ là một dự án đơn cử cho sự quy hoạch thiếu đồng bộ. “Nếu ngay từ đầu triển khai sát với quy hoạch ở nút giao này, làm đồng bộ cùng một lúc sẽ không phát sinh (tổng mức đầu tư – PV), gây lãng phí”.

du an giao thong TP.HCM cham tien do anh 4

Nhiều công trình ở TP.HCM thi công dở dang rồi ngừng. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Phân bổ nguồn lực chưa khoa học” là vấn đề được Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải chỉ ra. Ông Hải kể lại câu chuyện đi khảo sát dự án cầu Bưng trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân) - công trình đang thi công cầm chừng do vướng giải phóng mặt bằng. “Nhìn cây cầu bắc qua giữa dòng sông người ta nói ‘không nước nào xây nửa cây cầu anh à’. Tôi đau xót lắm, cũng tự phê bình”.

Có quan điểm tương tự, ông Hải cho rằng việc đề xuất chủ trương khởi công mới nhiều công trình nhưng chưa giải quyết các dự án đình trệ hiện tại dẫn đến đầu tư dàn trải, dự án kéo dài, chậm tiến độ.

Theo đại biểu Hải, giải pháp để giải quyết những công trình chậm tiến độ là “công trình nào dứt điểm công trình đó”. Có những chỗ biết kẹt nhưng “phải chờ” để phân bổ nguồn lực chặt chẽ, khoa học, không dàn trải. Trong hữu hạn nguồn lực, cần ưu tiên những dự án cấp bách đang dở dang và chuẩn bị đầu tư chặt chẽ để hạn chế sai sót, đội vốn.

Trạm thu phí bỏ hoang 5 năm gây kẹt xe cửa ngõ TP.HCM Dự án BOT cầu Bình Triệu 2 ngưng hoạt động hơn 5 năm nhưng các trạm vẫn không được tháo dỡ gây ra tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ phía đông của TP.HCM.

Thúc tiến độ 5 công trình giao thông trọng điểm ở TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu đẩy nhanh tiến độ 5 dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án đang trễ hẹn so với dự kiến.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm