Ngày 6/7, trao đổi với Zing về việc chậm tháo dỡ, di dời trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu 2 (hướng Thủ Đức đi Bình Thạnh), ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đơn vị đang đàm phán và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ trong tháng 7 này.
Nguyên nhân chậm trễ, theo ông Bằng, là do trong 5 năm qua, dự án vẫn chưa chính thức chấm dứt hình thức hợp đồng BOT.
"Mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận ngừng hợp đồng BOT và chuyển đổi sang đầu tư ngân sách đối với dự án cầu Bình Triệu 2. Chúng tôi sẽ sớm cho tháo dỡ trạm thu phí này trong tháng 7", lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM thông tin.
Kẹt xe tái diễn nhiều năm tại khu vực trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu. Ảnh: Văn Nguyện. |
Theo ghi nhận của Zing, người dân tại khu vực phản ánh việc không tháo dỡ trạm thu phí hơn 5 năm qua đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông nơi đây trở nên nghiêm trọng, thậm chí dễ gây tai nạn.
"Trạm thu phí này không sử dụng đã nhiều năm rồi, không chỉ khiến đường chật hẹp, gây kẹt xe vào giờ cao điểm, mà còn là nguy cơ gây tai nạn vào ban đêm", bà Hoa (ở cạnh quốc lộ 13) mong trạm BOT này sớm được tháo dỡ để cải thiện tình trạng này.
Bà Nguyễn Thị Oanh buôn bán trước khu vực trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu cũng bày tỏ lo ngại khi từng chứng kiến không ít vụ tai nạn tại trạm thu phí bỏ hoang này.
"Các trạm thu phí này rất dễ gây tai nạn vì buổi tối, người đi đường khó quan sát. Lúc còn hoạt động thì các trụ này có đèn nhấp nháy nhưng sau này thì không. Tôi cũng chứng kiến nhiều người đi xe máy vì không để ý đã tông vào các trạm này", bà Oanh kể.
Dự án cầu đường Bình Triệu (giai đoạn 2) khởi công vào năm 2000, do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Sau 4 năm, dự án được bàn giao cho UBND TP.HCM.
Đến năm 2008, TP.HCM ký hợp đồng với Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII). CII đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ, đưa vào khai thác năm 2010 và thu phí hoàn vốn kết thúc năm 2015.
Trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu 2 phía quận Thủ Đức. Ảnh: Văn Nguyện. |
Năm 2018, dự án triển khai nhiều công trình với tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng. Song chỉ sau thời gian ngắn, việc triển khai các hạng mục bị ngưng trệ, kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng dự án này không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội về việc "không được thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu".
Quốc lộ 13 đoạn qua cầu Bình Triệu 2 là một trong những tuyến đường có lưu lượng xe cộ qua lại rất cao, do đó việc 4 trạm thu phí dừng hoạt động nằm giữa đường dẫn đến tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra.