Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu về việc cắt giảm lao động của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân).
UBND TP.HCM giao Cục Thuế TP.HCM xem xét đề nghị của người lao động về việc không thu 10% thuế thu nhập cá nhân đối với khoản trợ cấp do Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chi trả cho công nhân.
Phó chủ tịch Ngô Minh Châu yêu cầu Cục Thuế báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM trước ngày 15/7.
PouYuen là doanh nghiệp có nhiều lao động nhất ở TP.HCM với hơn 60.000 công nhân. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM giao UBND quận Bình Tân tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất, việc làm của người lao động tại PouYuen. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành liên quan để hướng dẫn công ty thực hiện đúng pháp luật, xử lý tình huống phát sinh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM được giao hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo lại cho người lao động bị thôi việc. Đồng thời, trung tâm này phối hợp với Bảo hiểm Xã hội TP.HCM giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động chưa có việc làm.
Hôm 18/6, Công ty PouYuen thông báo chấm dứt hợp đồng với khoảng 3.000 công nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tương tự, Công ty CP giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết 90% đơn hàng bị hủy nên phải cắt giảm 2.220 lao động từ ngày 15/6.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong 6 tháng đầu năm nay, TP.HCM có hơn 327.000 lao động nghỉ việc.
Trong đó, 2.799 người lao động của 34 doanh nghiệp bị cho thôi việc vì công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế.
Tính đến 24/6, số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 90.000 người, tương đương 27%. Khảo sát nhanh của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy 85,47% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (13.933/16.302 doanh nghiệp).
Gần 3.000 lao động PouYuen mất việc do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước thực tế này, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND TP.HCM 2 kịch bản nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.
Ở kịch bản tiêu cực, sở dự kiến sẽ có 160.000-180.000 lao động tại 4.800-5.000 doanh nghiệp phải ngừng việc, nghỉ việc. Chủ yếu là doanh nghiệp tại khu vực dịch vụ (lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải...), khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, sản xuất trang phục...).
Với diễn biến tích cực hơn, tình hình kinh doanh khởi sắc, tạo ra nhiều việc làm ngắn hạn thu hút lao động, dự kiến có 4.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với 100.000-120.000 lao động nghỉ việc. Tuy nhiên, dự báo này cho rằng khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp vẫn sẽ bị ảnh hưởng do hoạt động giao thương với nước ngoài gián đoạn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đã lập 3 tổ công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của 2 phó giám đốc sở và chánh thanh tra sở. Theo đó, doanh nghiệp có trên 500 lao động gặp khó khăn, phải cho lao động thôi việc cần phối hợp với UBND quận, huyện và các ban, ngành liên quan để tham vấn giải quyết.