Những nguyên nhân khách quan do đại dịch, chi phí vật tư sản xuất cao và tình hình lạm phát khiến các nhà xuất bản của Ấn Độ đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Riêng tháng 4 vừa qua, lạm phát ở Ấn Độ (do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng) đã đạt mức cao nhất trong 18 tháng liên tiếp (7,5%), theo Reuters.
Các đơn vị xuất bản ở đây, bao gồm cả đơn vị làm sách tiếng Anh và tiếng Hindi, cho biết họ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu giấy trầm trọng và chi phí sản xuất tăng cao trong nhiều tháng trở lại đây. Do đó, họ buộc phải tăng giá sách.
Alind Maheshwari, Giám đốc Nhà xuất bản Rajkamal Prakashan, nói với trang DW (một hãng truyền thông quốc tế của Đức, đưa tin bằng 32 ngôn ngữ) rằng đơn vị này đã không thể thực hiện nhiều sách như trước đại dịch.
Maheshwari cho biết: “Giấy từng có giá khoảng 60 rupee/kg (0,77 USD) và bây giờ có giá 110 rupee/kg. Giá giấy hiện tăng gần gấp đôi”.
Nhà xuất bản Rajkamal Prakashan có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) từng xuất bản khoảng 200-250 cuốn sách mỗi năm trước đại dịch. Giờ đây, con số đó rơi vào khoảng 72-100 cuốn mỗi năm, bao gồm cả bản dịch sách tiếng Anh. Các kênh phân phối sách đã bị ảnh hưởng đáng kể từ khi đại dịch bùng phát.
Satabdi Mishra, đồng sáng lập Walking Book Fairs, chia sẻ với DW rằng việc in sách ngày càng trở nên đắt đỏ bởi “giá dịch vụ in ấn và vận chuyển tăng cao. Việc xuất bản một số cuốn sách cũng bị đình trệ và cuối cùng, khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn thì chi phí làm sách lại tăng lên đáng kể”.
Ngành xuất bản Ấn Độ gặp khó trong khâu vận chuyển và chi phí sản xuất tăng cao. Ảnh: News Junkie Post. |
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt, khó khăn trong phương thức vận chuyển trên toàn cầu cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất. Thậm chí, các nhà cung cấp giấy của Ấn Độ buộc phải cắt giảm hoạt động xuống 2-3 lần/tuần.
Arpita Das, đại diện Nhà xuất bản Yoda Press, cho biết chi phí sách tăng cao đã gây áp lực và họ phải cố gắng “giữ giá bìa đủ thấp để độc giả có thể mua được sách”.
Thomas Abraham, Giám đốc điều hành Hachette India, một trong 5 nhà xuất bản lớn nhất của quốc gia này, cho hay người dân nơi đây phần lớn đọc sách vì mục đích học tập, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức và ít đọc vì mục đích giải trí.
“Ở Anh và Mỹ, các tựa sách mới thường có lợi cho người đọc. Nhưng ở Ấn Độ thì điều này hoàn toàn ngược lại. Mọi người thường đọc nhiều tựa sách cũ hơn, chẳng hạn như sách của Enid Blyton hoặc Agatha Christie. Đó cũng là điều khiến ngành sách ở đây đang mất dần tính đa dạng trong thư mục”, Abraham tiết lộ.
Ngoài ra, sự kết hợp giữa việc thay đổi thói quen đọc và tăng chi phí làm sách cũng khiến nhiều nhà xuất bản phải loại bỏ những cuốn sách được cho là “làm thử nghiệm” hoặc sách thuộc “danh mục vốn không được ưu tiên cao vì chỉ có một lượng độc giả cụ thể”.
Đại dịch cũng khiến mọi người bắt đầu mua nhiều sách điện tử hơn trên Amazon, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên của đợt giãn cách xã hội vào năm 2020. Doanh số bán sách điện tử đã tăng gấp đôi trong thời gian đó. Tuy nhiên, chúng lại đóng góp rất ít vào doanh thu và “không thể bù đắp cho khoản lỗ phát sinh trong 4 tháng đóng cửa”, Abraham nói.