Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Nhật gặp khó khi nhiều hiệu sách, thư viện đóng cửa

Trước tình trạng nhiều hiệu sách và thư viện đóng cửa, các nhà xuất bản lo lắng ảnh hưởng đến kinh doanh, còn độc giả gặp khó trong việc mua sách.

Dù không bị chính quyền yêu cầu đóng cửa để thực hiện biện pháp chống lại sự lây lan của virus Corona, nhiều hiệu sách ở các thành phố lớn của Nhật Bản đã chọn đóng cửa hoặc rút ngắn thời gian mở cửa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các nhà xuất bản.

Đối với những người thích đọc sách, nhu cầu của họ tăng lên khi thực hiện giãn cách xã hội. Việc đóng cửa gần như hoàn toàn của các thư viện ở khu vực đô thị và các hiệu sách là một thiếu hụt lớn đối với những người yêu thích đọc sách.

Hieu sach Nhat dong cua anh 1

Hiệu sách Maruzen ở Tokyo đóng cửa để phòng tránh dịch. Ảnh: Kyodo.

Sách là thiết yếu, nhưng hiệu sách vẫn đóng cửa

Một ngày sau khi tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản được Thủ tướng Shinzo Abe lần đầu tiên tuyên bố tại Tokyo, Osaka và tỉnh thành khác, Akira Yamaguchi, Giám đốc điều hành của Công ty Xuất bản Hayakawa, đã lo lắng khi đọc danh sách các hiệu sách ở Tokyo quyết định đóng cửa.

Hiệu sách ở các khu phố thời thượng của Tokyo đóng cửa. Ngay cả cửa hiệu sách hàng đầu của Sanseido ở khu vực Jinbocho - trung tâm của các cửa hàng sách cũ và "thánh địa" của những người mê sách ở Tokyo - cũng đóng cửa.

Yamaguchi nói: “Hầu hết sách mà chúng tôi dự định bán vào cuối tháng này đã được in xong. Chúng tôi sẽ gặp khó khăn nếu không thể phân phối chúng".

Theo Công ty Nippon Shuppan Hanbai và Tập đoàn Tohan (các nhà phân phối sách và tạp chí bán buôn lớn của Nhật Bản), hàng trăm đối tác kinh doanh là các cửa hàng sách của họ đã tạm ngừng hoạt động.

Yamaguchi của Nhà xuất bản Hayakawa cũng lo lắng về việc liệu một số hiệu sách đó còn hoạt động khi cuộc sống trở lại bình thường hay không.

“Chúng tôi lo rằng các hiệu sách, với lợi nhuận eo hẹp, sẽ buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh, không có nguồn lực tài chính giúp những cửa hàng này sống sót trên thị trường”, ông Yamaguchi nói trên Japan Times.

Khi tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên được áp dụng ở khu vực đô thị Tokyo và Osaka, chuỗi cửa hàng sách Kinokuniya ban đầu tiếp tục vận hành một số địa điểm.

Chính quyền Tokyo đưa ra yêu cầu người dân hạn chế ra đường, thành phố vẫn coi sách là “cần thiết để duy trì cuộc sống xã hội” nên hiệu sách không bị yêu cầu đóng cửa. Tuy vậy, chuỗi cửa hàng Kinokuniya đã đảo ngược quan điểm của mình.

Trung bình mỗi ngày, vài nghìn khách hàng ghé thăm các cửa hàng trong chuỗi. Điều đó khiến công ty lo sợ rằng cửa hàng sẽ trở thành điểm lây nhiễm và họ quyết định đóng cửa.

“Chúng tôi rất biết ơn vì sách đã được công nhận là thiết yếu đối với cuộc sống của chúng ta, nhưng sự an toàn của khách hàng và nhân viên của chúng tôi mới là điều quan trọng nhất”, đại diện một hiệu sách nói về quyết định khó khăn này.

Một số hiệu sách khác thực hiện những bước đi thận trọng, vừa tìm cách trụ lại vừa lo sợ mình trở thành nguồn lây.

Để vượt qua điều này, một hiệu sách nằm dọc theo tuyến đường sắc vắng vẻ ở Tokyo đã cắt giảm giờ mở cửa hàng.

“Nhiều người đã nói họ rất vui vì hiệu sách của tôi mở cửa” - chủ nhân của một hiệu sách cho biết - “Sách bìa mềm, truyện tranh và sách dành cho trẻ em được bán nhiều nhất. Mọi người cảm thấy bị bó buộc và khao khát được hưởng thụ. Điều quan trọng là phải có một nơi để họ có thể mua sách”.

Nippon Shuppan Hanbai đã báo cáo rằng doanh số bán hàng của họ tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng chủ yếu ở lĩnh vực truyện tranh, sách và tài liệu giáo dục cho học sinh. Điều đó đã chỉ rõ nhu cầu về những loại sách này gia tăng sau khi chính phủ đóng cửa trường học nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Hieu sach Nhat dong cua anh 2

Nhu cầu truyện tranh tăng mạnh trong mùa dịch. Ảnh minh họa: Japan Times.

Thư viện dừng hoạt động

Cùng lúc hiệu sách đóng cửa, các thư viện, do các thành phố quản lý, cũng tạm ngừng hoạt động.

Theo trang thông tin cứu trợ thảm họa saveMLAK (một trang web theo dõi thiệt hại của bảo tàng, thư viện, kho lưu trữ và trung tâm cộng đồng vào thời điểm thiên tai), khoảng 890 thư viện, tức 60% trong số 1.550 thư viện của Nhật Bản, đã ngừng hoạt động.

95% các thư viện công cộng ở bảy tỉnh của Nhật Bản tạm dừng phục vụ khi thực hiện chính sách đóng cửa khẩn cấp của thủ tướng Abe.

Ngày càng nhiều thư viện công cộng đóng cửa hoàn toàn, ngừng dịch vụ cho mượn sách. Các thư viện này tuân theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp của chính quyền địa phương, cho rằng cơ sở vật chất của họ là không cần thiết.

Người đứng đầu một thư viện công cộng ở miền trung Nhật Bản cho biết: “Thật đáng tiếc, các thư viện nằm trong số những cơ sở được coi là không thiết yếu".

Các thư viện đã nỗ lực để phổ biến kiến thức về Covid-19, bao gồm cả việc chuẩn bị tài liệu về biện pháp chống lại căn bệnh này và thông tin cho những người bị nghi ngờ mắc bệnh.

Một thủ thư cho biết: “Vai trò của thư viện là phổ biến thông tin chính xác, đặc biệt là giữa những dòng thông tin sai lệch và sự suy đoán”.

Các thư viện không chỉ cho mượn sách. Họ đang cố gắng tìm những biện pháp sáng tạo để tiếp tục phục vụ công chúng.

Nhiều nước công nhận sách là hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch

Giữa lúc thế giới đang phải lựa chọn đâu là ưu tiên trong thời kỳ đại dịch, một số quốc gia vẫn kiên định với việc quyết định sách là mặt hàng thiết yếu.

Ngành xuất bản Trung Quốc tìm hướng đi mới trong đại dịch

Ngành xuất bản Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 và sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi sau tổn thất.

Lê Ngọc Đức 

Bạn có thể quan tâm