Sau quãng thời gian chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, mới đây, Hội đồng Nhà văn châu Âu (tổ chức đại diện cho hơn 160.000 nhà văn và dịch giả chuyên nghiệp từ khắp châu Âu) có báo cáo khảo sát, đánh giá ảnh hưởng tiêu cực mà ngành xuất bản hứng chịu trong hai năm đại dịch 2020-2021. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra hàng loạt giải pháp như lối rẽ cho ngành xuất bản vực dậy sau cơn khủng hoảng.
"Dù ở giữa đại dịch, khi các biến chủng hoành hành không chỉ khắp châu Âu mà ở toàn cầu, sách vẫn là sợi dây kết nối con người. Những cuốn sách là không gian tinh thần giúp hàng triệu người vượt qua thời khắc khó khăn nhất", nhà văn người Đức Nina George - Chủ tịch Hội đồng Nhà văn châu Âu - chia sẻ trong báo cáo.
Hàng loạt hội chợ sách trực tiếp phải chuyển sang hình thức trực tuyến trong đại dịch. Ảnh: The Guardian. |
Tổn thất chưa từng có
Đánh giá về mức độ thiệt hại mà ngành xuất bản châu Âu phải hứng chịu trong hai năm 2020-2021, Hội đồng Nhà văn châu Âu thống kê hơn 70% nhà xuất bản, đơn vị phát hành đã phải hoãn ra mắt các tựa sách mới trong 8 đến 18 tháng.
Trong đó, 70% sự kiện trực tiếp liên quan sách và xuất bản đã bị hủy, quá nửa các nhà văn được khảo sát cho biết họ phải chịu những tổn thất rất nghiêm trọng vì sách bị chậm hay hoãn phát hành, không có đầu mối để bán hàng.
Chưa kể, báo cáo của Hội đồng Nhà văn châu Âu cho biết khoảng 20 trong số 43 quốc gia, vùng lãnh thổ của lục địa già là có những gói hỗ trợ, cứu trợ và các biện pháp giúp vực dậy ngành xuất bản.
Trong những tác động tiêu cực đó, Hội đồng Nhà văn châu Âu đánh giá việc giảm hơn 150.000 đầu sách xuất bản mới mỗi năm được xem là hậu quả tồi tệ nhất. "Sự đa dạng văn học đã bị giáng một đòn rất mạnh và triệt để", báo cáo viết.
Mặt khác, khi doanh thu của sách nói và sách điện tử tăng cao trong đại dịch, các đơn vị phát hành vẫn không thể bù đắp được sự sụt giảm doanh số bán bản in.
Các sự kiện trực tuyến cũng hiếm khi được trả tiền, thậm chí tại nhiều quốc gia phát triển hàng đầu như Anh, Đức, Pháp hay Tây Ban Nha, vẫn chưa có khái niệm khuyến khích khán giả trả tiền tham gia sự kiện sách hay xuất bản trực tuyến.
Thống kê của Hội đồng Nhà văn châu Âu cũng đồng thời chỉ ra rằng các nhà văn và dịch giả hầu như không thể tích lũy được nguồn dự trữ do các hợp đồng ký kết thường bất lợi cho họ. Sự chênh lệch giá trị gia tăng khi các tác phẩm của họ được sử dụng trực tuyến hoặc trong trường học cũng thường bị bỏ qua.
Một điểm tác động tiêu cực nữa mà nhà văn phải đối mặt trong thời đại dịch là việc thúc đẩy quyền lợi liên quan bản quyền cho ấn phẩm kỹ thuật số tại các quốc gia châu Âu đều bị hoãn.
"Điều này gây trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành xuất bản. Nhà văn đã chịu thiệt thòi nay càng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng khi sản phẩm kỹ thuật số từ hy vọng trở thành cơn ác mộng vì không được bảo vệ hợp pháp. Quãng thời gian dịch bệnh gây những tổn thất chưa từng có tiền lệ trong ngành xuất bản", bà Nina George khẳng định.
Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết khủng hoảng của ngành xuất bản tại châu Âu. Ảnh: Telegraph. |
Giải pháp cho tương lai
Bên cạnh những báo cáo về tác động tiêu cực mà đại dịch gây ra cho ngành xuất bản, Hội đồng Nhà văn châu Âu cũng đưa ra những giải pháp cho việc khôi phục lĩnh vực xuất bản sách, bất chấp nguy cơ tiềm ẩn mà biến chủng Omicron có thể mang đến.
Trong đó, báo cáo của Hội đồng Nhà văn châu Âu nhấn mạnh vai trò của việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà văn khi xuất bản ấn phẩm kỹ thuật số (sách nói và sách điện tử). Vì nếu xem chuyển đổi số là tương lai của xuất bản, những quy định, luật và vấn đề bản quyền phải được làm chặt chẽ ngay từ đầu.
Các nhà văn khi được khảo sát cũng chia sẻ cách thích ứng với đại dịch. Thay vì phụ thuộc sự kiện giới thiệu sách trực tiếp hoặc hội chợ thường niên, các tác giả đã bắt đầu tìm cách chủ động kết nối với độc giả qua hình thức trực tuyến. Họ cũng cùng nhau tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến, tọa đàm, không gian đọc sách trên mạng xã hội như một cách hỗ trợ công chúng trong thời điểm phải giãn cách xã hội.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng đã khuyến khích các nhà xuất bản truyền thống mở rộng hơn trong việc xuất bản sách điện tử, các ấn phẩm kỹ thuật số. Các đơn vị phát hành cũng liên kết với nhiều nhà sách độc lập, hiệu sách nhỏ tại địa phương tìm cách giao sách cho khách hàng.
Các sự kiện xuất bản như hội chợ sách, liên hoan văn học, tọa đàm giới thiệu tác phẩm... đang được khuyến khích tổ chức trực tiếp trở lại với hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch.
"Chúng ta không thể nào cứ gặp nhau qua mỗi màn hình được, một trong những nhu cầu mạnh mẽ của con người là được gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Các hoạt động trực tiếp có thể có rủi ro khi biến chủng mới Omicron xuất hiện nhưng chúng ta rồi cũng phải dần học cách thích ứng thôi", bà Nina George chia sẻ trên tờ The Bookseller.
Trong chương trình nhằm vực dậy ngành xuất bản ở châu Âu, các tổ chức văn hóa cũng đóng góp vai trò quan trọng. Một trong những chương trình khuyến đọc mà tổ chức văn hóa của Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng chính là "Mang sách trở lại cho độc giả người lớn và trẻ em".
Đây là chương trình nhằm yêu cầu các quốc gia thành viên EU đưa tin về văn học và các hoạt động văn hóa khác trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kết hợp với các chương trình khuyến đọc quốc gia. Đây được xem là biện pháp nhanh chóng nhất để mang sách trở lại cuộc sống thường nhật.
Hội đồng Nhà văn châu Âu cũng nhấn mạnh việc phải có các quy định cụ thể về tiền bản quyền khi nhà trường hay nhiều cơ sở giáo dục khai thác tác phẩm trên các phương tiện kỹ thuật số.
"Giáo dục và văn hóa luôn đi bên cạnh nhau, tạo điều kiện để các nhà văn nhận được thành quả xứng đáng của mình là điều cần thiết, nhất là khi những tác phẩm của họ được sử dụng trong việc dạy học", bà Nina George nhấn mạnh trong kết luận của báo cáo.