Ngày 31/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức buổi ra mắt diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên cả nước.
Mục đích của diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản, qua đó, tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và người nông dân.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định trong tương lai, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào. Từ đó, dẫn đến ngưng sản xuất hoặc sản xuất thiếu chất lượng.
5 vấn đề cần tháo gỡ
“Về lâu dài, chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực, nhất là thay đổi từ nhận thức, tư duy để phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, đảm bảo giá trị hàng hóa, quy mô hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Để sự kết nối thành công, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đưa ra 5 đề xuất. Thứ nhất, Bộ trưởng NNPTNT cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Thứ hai, chọn các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành để hưởng ứng khi có Bộ khung quy tắc này. Thứ ba, chọn các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.
Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc xã hội hóa theo hình thức PPP; giao tổ chức, hiệp hội ngành hàng quản trị những nội dung cụ thể (như quản trị hạn ngạch, quản trị tiêu chuẩn, quản trị chất lượng, quản trị sản lượng đối với từng sản phẩm, ngành hàng).
Thứ năm, cần tạo và hỗ trợ công tác truyền thông mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng ra thị trường mở. Cơ quan đầu mối quản lý ngành hàng luôn theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá, xây dựng kế hoạch thực thi chính sách pháp luật; tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển từng sản phẩm, ngành hàng.
Cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Trước những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần phải chủ động chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng dựa trên đơn giá trị thành đa giá trị, đồng thời lấy thị trường làm chuẩn mực cho điều hành sản xuất, quản lý.
Ông chỉ ra 6 việc mà ngành nông nghiệp cần sớm triển khai. Thứ nhất, tất cả từ người sản xuất, tiêu dùng, đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần phải thay đổi tư duy, hành động để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị nông sản.
Thứ hai là cần hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp. Mọi thành viên phải quần tụ, để bổ sung sức mạnh lẫn nhau, cùng chung tay về nông sản, nông dân Việt.
Thứ ba, là kích hoạt tư duy của tam giác phát triển: Nhà nước - thị trường - xã hội. Trong đó, cơ quan quản lý, các ngành hàng, và người nông dân sẽ là chỗ dựa, giúp kết nối phát triển nền nông nghiệp.
Thứ tư là tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp bởi chỉ khi nào chuyển biến triệt để vấn đề này, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng. Một suy nghĩ nữa cần thay đổi là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất.
“Trong bối cảnh đứt gãy hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó là tích hợp thêm giá trị vào nông sản Việt, vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Cần chuyển từ nông sản hữu hình đến các giá trị vô hình như văn hóa, lịch sử, hay những câu chuyện kể về nông sản để lấy đó làm những động lực mới, tư tưởng mới cho người nông dân.
Cuối cùng là tạo thị trường thông suốt từ Bắc đến Nam, tạo thuận lợi luân chuyển vùng miền, trải rộng vùng không gian phát triển sang thị trường 100 triệu dân. Làm thế nào để kích hoạt dòng chảy nông sản, tạo ra cú hích cho những sản phẩm chất lượng như OCOP.
Cà Mau lo đứt gãy chuỗi cung ứng tôm khi giá liên tục xuống thấp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết giá tôm giảm sâu khiến người nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Nguy cơ chuỗi sản xuất tôm của tỉnh bị gãy đổ là có cơ sở.
Bộ Nông nghiệp đề nghị TP.HCM thí điểm combo 10 kg nông sản
Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai thí điểm túi an sinh 10 kg nông sản giá 100.000-200.000 đồng trên địa bàn.
Giá trông giữ xe, ăn uống tại các điểm du xuân dự báo tăng
Các điểm vui chơi lớn, khu vực tâm linh chuẩn bị đón lượng khách lớn. Bộ Tài chính dự báo giá các loại dịch vụ tại đây có thể tăng để bù đắp chi phí hoạt động ngày Tết.