Tại buổi ra mắt diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức ngày 31/8, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết nhờ hoạt động kết nối cung cầu, với sự hỗ trợ của Bộ, các tỉnh, tỉnh Cà Mau đã tiêu thụ được hơn 4.000 tấn nông sản các loại.
Tuy nhiên, số nông sản đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với số lượng nông dân sản xuất ra. Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đầu ra của nhiều mặt hàng.
“Tôm Cà Mau giảm 8.000-23.000 đồng/kg, các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu; mực tươi, mực khô các loại giảm 30% về giá; cá ngoài chợ giảm 20-29%. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở”, ông Sử bày tỏ lo ngại.
Nhiều hộ nông dân đã phải thu hoạch sớm ao tôm vì lo lỗ tiền thức ăn. Ảnh: Phan Thanh Cường. |
Đại diện tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh này ưu tiên cho phòng chống dịch, trên cơ sở đó, căn cứ tình hình để tạo điều kiện cho sản xuất. Đánh giá tình hình chung, đặc biệt là khâu kết nối nông sản, ông Sử cho rằng giai đoạn đầu có thể còn bỡ ngỡ, rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.
“Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ, thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất”, ông Sử nói.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NNPTNT quan tâm đến mô hình doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất, hỗ trợ lợi nhuận sau mỗi vụ cho người dân. Như vậy, người dân yên tâm sản xuất, không bị mất lợi nhuận vì coi như đã được doanh nghiệp bảo hiểm.
Ở giải pháp này, cơ quan Nhà nước thay vì phải lo cho từng hộ nông dân vay vốn thì chỉ cần lo cho doanh nghiệp.
Trước ý kiến của đại diện tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết việc kết nối do người nông dân quyết định, mô hình tỉnh đề xuất “sẽ được tham khảo”.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định chính quyền cùng doanh nghiệp cùng kiến tạo để dung hòa. Doanh nghiệp nào có điều kiện cho hoạt động trước, chưa điều kiện thì tìm cách bổ sung, ví dụ như thuê bộ phận y tế tư nhân cùng vận hành.
“CDC địa phương nên cùng ngồi với doanh nghiệp để đưa ra phương án, vừa đảm bảo y tế, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Không chính quyền nào muốn đóng cửa nhà máy trên địa bàn của mình, vì tính mạng nhân dân nên phải cắn răng đóng cửa một số đơn vị chưa đảm bảo được khâu phòng chống dịch”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ông Lê Văn Sử cho biết tỉnh đang siết chặt vòng biên giới, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bên trong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn ra mỗi lúc một khác, có lúc diễn biến rất nhanh.
Có thời điểm, tỉnh Cà Mau phải thay đổi biện pháp quản lý. Sự thay đổi này tác động từng lúc đến hoạt động sản xuất, thậm chí gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.