Tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Tổng cục Thống kê cho biết CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
“Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng”, cơ quan thống kê lý giải.
Trong mức tăng 0,25% của CPI tháng 8 so với tháng trước có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 3 nhóm giữ giá ổn định.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất với 0,74% do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trong khi nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm. Nhóm giáo dục tăng 0,04% và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.
CPI BÌNH QUÂN 8 THÁNG ĐẦU NĂM TĂNG THẤP NHẤT KỂ TỪ NĂM 2016 | |||||||
Nhãn | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | |
Tốc độ tăng CPI 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước | % | 1.91 | 3.84 | 3.52 | 2.57 | 3.96 | 1.79 |
Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông giảm 0,06% chủ yếu do nhiều đại lý ôtô đưa ra các gói ưu đãi, giảm giá xe hấp dẫn nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng trong tháng 7 âm lịch làm cho giá ôtô giảm. Bên cạnh đó, giá vận tải đường sắt giảm 0,37% khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ giữ giá ổn định gồm nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8 giảm 0,02% so với tháng trước nhưng tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm nay tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/8 giảm 0,9% so với tháng 7. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8 giảm 0,49% so với tháng trước; giảm 1,65% so với tháng 12/2020 và giảm 3,02% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 7 giảm 0,44% so với tháng trước; giảm 0,67% so với tháng 12/2020 và giảm 0,92% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài.
“Đồng USD trên thị trường thế giới tăng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo số lượng việc làm tại Mỹ tháng 7 tăng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu”, Tổng cục Thống kê thông tin thêm.
Bộ Nông nghiệp đề nghị TP.HCM thí điểm combo 10 kg nông sản
Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai thí điểm túi an sinh 10 kg nông sản giá 100.000-200.000 đồng trên địa bàn.
Bộ GTVT yêu cầu bỏ quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các địa phương rà soát, bãi bỏ ngay những văn bản ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng về vận chuyển hàng hóa vùng dịch.
Sở KHĐT Hà Nội nói gì về ‘siêu doanh nghiệp’ vốn 128.000 tỷ đồng?
Sở KHĐT Hà Nội đang kiểm tra, rà soát việc Công ty Toàn Cầu đăng ký tăng vốn lên gần 128.000 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tình hình thực góp vốn.