Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Nông nghiệp đề nghị TP.HCM thí điểm combo 10 kg nông sản

Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai thí điểm túi an sinh 10 kg nông sản giá 100.000-200.000 đồng trên địa bàn.

Ngày 25/8, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ công tác 970) có văn bản đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai thí điểm túi an sinh combo nông sản trên địa bàn.

Cụ thể, trong những ngày qua, Tổ công tác 970 đã liên hệ kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhiều địa phương tại Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM để có được nguồn hàng đảm bảo chất lượng triển khai thực hiện giao thực phẩm theo combo “túi an sinh” 10 kg trên địa bàn toàn TP.

Theo Bộ NNPTNT, đã có trên 1.250 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970. Sản phẩm cung cấp rất đa dạng gồm thủy hải sản, rau củ quả các loại, trái cây các loại, trứng và thịt, lương thực, nông sản chế biến và thực phẩm thiết yếu khác.

Chương trình gồm 3 gói chính: Combo bình dân giá 100.000 đồng/túi 10 kg gồm các loại rau ăn củ như khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, khóm, chanh, củ cải trắng, dưa leo; combo trung bình giá 150.000 đồng/túi 10 kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá và trứng; combo hạng cao hơn giá 200.000 đồng/túi 10 kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá, gạo và trứng. Ngoài ra, còn nhiều combo kết hợp thủy hải sản, thịt các loại và trứng…

Bo Nong nghiep de nghi TP.HCM thi diem goi combo 10 kg nong san anh 1

Hiện các siêu thị tại TP.HCM cũng bán nhiều đơn hàng thực phẩm theo combo. Ảnh: Phương Lâm.

Chương trình combo 10 kg/túi do Tổ công tác 970 triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như người có nhu cầu tại TP.HCM, góp phần hạn chế người dân ra ngoài mua sắm hoặc không cần đi "nhiều cung đường, nhiều điểm đến", giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Đến nay, chương trình combo 10 kg/túi cũng đã thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới các nhà kho nhận hàng và có khả năng cung cấp cho TP.HCM 80.000-100.000 túi lương thực, thực phẩm/ngày (tương đương với 800-1.000 tấn/ngày).

Thậm chí, nếu có hỗ trợ phương tiện vận chuyển, thì với trên 1.250 đầu mối cấp hàng tại các tỉnh và hệ thống các nhà kho, nhà phân phối tại TP.HCM theo hình thức combo 10 kg/túi có khả năng tăng lượng cung cấp lên 120.000-130.000 túi/ngày (tương đương 1.200-1.300 tấn /ngày).

Bên cạnh đó, Tổ công tác 970 đã triển khai 2 phương án thí điểm giao thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM bên cạnh sự cung ứng của siêu thị.

Phương án 1 là đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu của thành phố (khoảng 7.610 tấn lương thực thực phẩm/ngày, chưa kể trứng gia cầm). Hiện tại, tổ công tác đã xây dựng phương án có địa chỉ cụ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với khả năng cung ứng số lượng 10.200 tấn nông sản/ngày (chưa kể trứng gia cầm).

Trong đó, gạo 4.500 tấn/ngày; rau, củ, quả 4.300 tấn/ngày; thịt heo 900 tấn/ngày; thịt gà 500 tấn/ngày; trứng gia cầm 10 triệu quả/ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra có thể cung ứng 570 tấn/ngày.

Phương án 2, đáp ứng 50% nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố (3.800 tấn lương thực thực phẩm/ngày, chưa kể trứng gia cầm). Hiện nay, Tổ công tác 970 đã có các địa chỉ đủ năng lực cung ứng khoảng 4.500 tấn/ngày (chưa kể trứng gia cầm), ngoài ra, các doanh nghiệp cá tra có thể cung ứng 570 tấn cá/ngày.

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cần bao nhiêu tấn thực phẩm mỗi ngày?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định đảm bảo đủ cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương trong thời gian siết giãn cách xã hội.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm