Khi Macau bắt đầu phong tỏa thành phố để đối phó với đại dịch Covid-19, khách du lịch vơi dần qua từng ngày, cô Tseng Lai-wah - một người bán báo tại đây - biết rằng điều tồi tệ nhất sắp đến.
Vì "kinh đô sòng bạc" tự phong tỏa, sạp báo của cô Tseng bắt buộc phải đóng cửa tạm thời và cô không có bất cứ nguồn thu nhập nào trong nhiều tháng. "3 năm qua thực sự khó khăn và tôi đã phải dựa hoàn toàn vào sự cứu trợ của chính phủ", cô chia sẻ.
Theo Nikkei Asia, không chỉ riêng Tseng mà nhiều người khác ở Macau cũng trong tình cảnh mất việc làm và không có thu nhập khi các casino đóng cửa. Từ mức đỉnh 39 triệu khách du lịch và 36 tỷ USD doanh thu từ casino vào năm 2019, Macau giờ đây không còn như trước.
Ngành kinh doanh sòng bài ở Macau từng rất phát triển trước đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Paul Pun - Tổng thư ký của Tổ chức Từ thiện Caritas Macau - vào năm 2022, có tới hơn 5.500 hộ gia đình đã đăng ký nhận hỗ trợ từ chính phủ - tăng tới gần 20% so với năm 2019.
"Rất nhiều người không có việc làm và phải tìm đến các ngân hàng thực phẩm - nơi phân phát đồ ăn miễn phí tại Macau", ông Pun cho biết. Theo ông, người nghèo tại đây ngày càng nghèo hơn sau đại dịch.
Theo báo cáo quý III/2022, RGDP (tổng sản phẩm địa phương) của Macau đã giảm tới 33,4%. Trong khi trước đại dịch, RGDP bình quân đầu người của thành phố này vào năm 2019 lên tới 46.000 USD - gấp đôi Đức và Nhật Bản.
Hiện tại, ước tính có khoảng 5% hộ gia đình trong thành phố đang có mức sống dưới trung bình, tương đương 700.000 người hiện phải chịu cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, con số trên thực tế thường sẽ lớn hơn nhiều và những người này cũng khó có thể đạt mức sống tốt hơn kể cả khi kinh tế hồi phục.
Trong khi đó, 6 nhà phát triển sòng bài lớn nhất tại Macau thì đang phải chịu khoản thua lỗ hàng tỷ USD trong đại dịch và sống trong nợ nần. Ngoài ra, khi những ông lớn này xin gia hạn giấy phép hoạt động mới, họ còn phải chịu thêm gánh nặng xây dựng và mở rộng các hoạt động ngoài lĩnh vực đánh bạc. Đây chính là yêu cầu kèm theo khi chính quyền địa phương tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp của Macau đã đạt 5,5% - mức cao nhất kể từ năm 2008 - còn tỷ lệ thiếu việc làm thì đạt mức kỷ lục 16,5%. Bức tranh việc làm ảm đạm này khiến nhiều người lao động lo lắng rằng họ có thể đột ngột bị cho thôi việc bất cứ lúc nào, trong khi chi phí sống ngày càng đắt đỏ hơn.
Doanh thu sòng bạc tại Macao giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch khiến nhiều ông chủ casino nợ nần chồng chất. Ảnh: Bloomberg. |
Bà Tse Fafa (55 tuổi) hiện không có việc làm và mỗi lần một tuần đều phải đi sang thành phố lân cận để mua đồ giá rẻ. "Khoản trợ cấp chính phủ hàng tháng là 1.100 USD, và bạn sẽ không thể sống nổi với số tiền này nếu mua đồ tại Macau. Đó là lí do tôi phải sang tận Chu Hải để mua những gì cần thiết", bà cho biết.
Theo Nikkei Asia, 1 USD hiện chỉ mua được một kg cải ngọt ở Macau nhưng lại mua được tới 3 kg ở thành phố bên cạnh, do đó ngày càng nhiều người lựa chọn đi xa để mua đồ.
Phiếu tiêu dùng và hỗ trợ tài chính của chính phủ cũng giúp nhiều người vượt qua khủng hoảng, tuy nhiên Macau hiện không còn quá nhiều tiền mặt và phải vật lộn với sự sụt giảm nguồn thu thuế từ lĩnh vực cờ bạc - vốn từng chiếm tới 80% doanh thu của chính phủ.
"Sớm thôi chính phủ sẽ phải giới hạn ngân sách hỗ trợ", cựu quan chức Sulu Sou cảnh báo. Ông cũng cho biết không thể dự đoán khi nào thành phố sẽ trở lại bình thường như trước đại dịch vì vấn đề bây giờ là quá lớn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.