Phú Yên là một trong những tỉnh ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ chịu ảnh hưởng rất nhiều về mặt thiên tai. Cơn bão số 12 vừa qua có lẽ là cơn bão lịch sử đối với một số tỉnh miền Trung, trong đó có Phú Yên. Đây là cơn bão kỳ quặc, có những hiện tượng bất thường, cộng thêm ảnh hưởng kép do mưa từ trước đó gây ra ngập úng.
“Từ Damrey trong tiếng Khmer nghĩa là con voi. Nó vừa quật, nó vừa đạp, nó vừa xô, rất khó hiểu. Thiệt hại rất lớn. Nếu tính về giá trị vật chất thì có thể hàng nghìn tỷ đồng, với một người chết”, ông Phan Đình Phùng nói.
Cột điện bị thiệt hại nặng nề sau bão. |
Ông cũng cho biết thêm, Phú Yên là một trong những tỉnh có số người chết do bão số 12 ít nhất. Đó là nhờ tỉnh hết sức quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, thậm chí dùng cả biện pháp cưỡng chế quyết liệt.
Tuy vậy, những thiệt hại của các ngành, các lĩnh vực ở địa phương là rất lớn. Trong đó, thiệt hại của ngành điện là 75 tỷ đồng như theo báo cáo của đại diện Công ty Điện lực Phú Yên. Dù vậy, con số mất mát thực tế có thể nhiều hơn nữa.
“Vì vậy, khi nghe thông tin Tổng công ty Điện lực miền Trung theo sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều động lực lượng để giúp cho Phú Yên khắc phục nhanh nhất lưới điện trên địa bàn Phú Yên thì lãnh đạo tỉnh rất xúc động, ông Phùng phát biểu.
Ông cho biết thêm rằng khó hình dung ra hết khối lượng công việc của các đồng chí vì đây là công việc chuyên môn, chỉ biết là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã quyết định điều động lực lượng giúp Phú Yên khắc phục hậu quả do cơn bão số 12.
"Các đồng chí đã không quản ngày đêm, không quản vất vả để đến với nhiều địa bàn. Nhiều giải pháp chuyên môn kỹ thuật có hiệu quả, có sự phối hợp đồng bộ, áp dụng phương án phù hợp nên công tác khắc phục hậu quả đã vượt kế hoạch đề ra”, ông chia sẻ.
Nhân viên EVN Phú Yên trầm mình xuống nước để do bão số 12 gây ngập úng. |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong các vấn đề cần ưu tiên khắc phục sau bão thì điện là ưu tiên số một, kế đến là nước. Bởi điện liên quan, ảnh hưởng đến mọi mặt trong sản xuất, trong thông tin liên lạc.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhận định, các đồng chí không chỉ khắc phục được 75 tỷ đồng thiệt hại của ngành điện tại Phú Yên, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, các khu công nghiệp đều được cấp điện, các doanh nghiệp tại địa phương đã hoạt động trở lại. Vấn đề bây giờ chỉ còn là điện sinh hoạt ở một số đơn vị cục bộ.
"Về cơ bản, những họat động kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương đi vào bình thường, trong đó có sự đóng góp rất lớn, rất quan trọng của ngành điện", đại diện tỉnh nói.
Ông Phan Đình Phùng bày tỏ thêm yêu cầu đặt ra đối với ngành điện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân ngày càng lớn, đòi hỏi hạ tầng phải phát triển nhiều hơn, các dịch vụ càng phải tốt hơn.
Thiệt hại về hạ tầng sau thiên tai rất lớn, nhưng đại diện tỉnh Phú Yên cho rằng ngành điện đã có những chỉ đạo, phương án để chủ động, ứng phó, khắc phục với thiên tai, xử lý nhanh và hiệu quả.
Công tác khắc phục hậu quả bão số 12 của ngành điện được ban lãnh đạo tỉnh Phú Yến đánh giá cao. |
Cơn bão số 12 ngày 3/11 đi qua đã để lại hậu quả nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân Phú Yên nói chung và ngành điện nói riêng. Trong đó, có 4 huyện lưới điện bị ảnh hưởng nặng do bão, 2 huyện bị ảnh hưởng nặng do lụt. Tổng cộng, cơn bão đã làm gãy, nghiêng 599 cột điện trung thế, 851 cột hạ thế và gây hư hỏng 24 máy biến áp phân phối, hơn 5.000 công tơ bị hư hỏng và ngập nước. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 75 tỷ đồng.
Tỉnh Phú Yên còn chịu nhiều thiệt hại như 2 người chết, 2 người mất tích, 37 người bị thương và thiệt hại về tài sản hơn 3.000 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng sản xuất, hệ thống giao thông, lưới điện trên địa bàn tỉnh cũng bị hư hỏng nặng…