Dự kiến trong tháng 11, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 559 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 30.600 MW. Hệ thống điện sẽ đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, liên tục, ổn định, đặc biệt trong thời gian diễn ra APEC và kỳ họp Quốc hội khóa XIV.
Mục tiêu vận hành hệ thống điện của tháng là tiếp tục khai thác tối ưu các hồ thủy điện đang xả tràn hoặc có nguy cơ xả tràn, nâng dần mực nước đối với các hồ đã vào cuối mùa lũ để đảm bảo cuối năm đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, chuẩn bị cung cấp điện cho mùa khô 2018.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc EVN tiếp tục chấp hành nghiêm chỉ thị của tập đoàn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống xảy ra lụt bão, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện. Đặc biệt, tập đoàn cần chuẩn bị ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng di chuyển về phía Nam thời điểm này.
Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải (đội mũ bảo hộ trắng, mặc áo tối màu) chỉ đạo khắc phục nhanh tuyến đường huyết mạch của TP Tuy Hòa chiều 4/11. Ảnh: Trang tin EVNCPC. |
Trước đó, trong tháng 10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 17 tỷ kWh (trung bình 550 triệu kWh/ngày). Lũy kế 10 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 165 tỷ kWh, tăng 8,13% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động quan trọng của EVN trong tháng 10 là phối hợp với các cơ quan để ứng phó với diễn biến mưa lũ thất thường, điều tiết các hồ thủy điện lớn một cách hợp lý.
Theo đó, EVN đã dừng phát điện tất cả tổ máy của thủy điện Sơn La từ sáng ngày 11/10 đến sáng ngày 12/10 để giảm lưu lượng về hồ Hoà Bình, hạn chế xả lũ xuống hạ du; đồng thời thực hiện nghiêm việc đóng/mở các cửa xả lũ công trình thủy điện Hòa Bình khi mưa lũ lớn, nước lũ lên cao đột ngột, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Công tác chủ động ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 11 cũng được các đơn vị triển khai thực hiện tích cực, khôi phục nhanh nhất có thể sự cố về điện tại các tỉnh bị ảnh hưởng.
Theo kết quả đánh giá của nhóm nghiên cứu Doing Business thuộc Ngân hàng Thế Giới (World Bank) về Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 của 190 nền kinh tế trên thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế. Đây là mức cải thiện thứ bậc xếp hạng cao nhất từ năm 2013 đến nay.
Chỉ số Tiếp cận điện năng cũng là một trong 5 chỉ số được Doing Business đánh giá có thay đổi tích cực, giúp cho chỉ số đánh giá chung của nền kinh tế Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh so với năm 2016.