Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 32 bậc

Kết quả đánh giá các chỉ số Năng lực cạnh tranh 2017, trong đó có chỉ số Tiếp cận điện năng, của 190 nền kinh tế do nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Theo đó, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế. Đây là mức cải thiện thứ bậc xếp hạng cao nhất từ năm 2013 đến nay.

Với mức tăng 6,46 điểm so với năm ngoái, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp thứ 2 trong các chỉ số có mức độ cải thiện xếp hạng tốt nhất, đứng sau chỉ số Nộp thuế. Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện trong phạm vi công việc của ngành Điện lực, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực sau Brunei.

Chỉ số Tiếp cận điện năng là một trong 5 chỉ số được Doing Business đánh giá tạo thay đổi tích cực, giúp chỉ số đánh giá chung về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016.

Chi so Tiep can dien nang cua Viet Nam tang 32 bac anh 1
Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng hạng 64 trên toàn cầu.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện về vị trí, và là năm thứ 2 được Doing Business ghi nhận có các cải cách lớn. Sau 4 năm (từ năm 2013 đến 2017) thực hiện cải cách và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong vấn đề tiếp cận điện năng, Việt Nam đã tăng 92 bậc từ vị trí 156 (năm 2013) về vị trí 64 (năm 2017).

Số liệu của Doing Business công bố cho thấy chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện xếp hạng cao hơn một số quốc gia có kinh tế phát triển như Trung Quốc (98), Canada (105), Mexico (92), Israel (77), Hungary (110), Romania (147), Ukraina (128)...

Mặt khác, nếu so sánh kết quả các yếu tố đánh giá chỉ số của Việt Nam với trung bình các nước ở châu Á - Thái Bình Dương và các nước thuộc OECD, số thủ tục của Việt Nam là tương đương, còn thời gian thực hiện lại tốt hơn đáng kể, ít hơn một nửa so với mức bình quân. Cụ thể, Việt Nam là 46 ngày, châu Á - Thái Bình Dương là 71,6 ngày, còn OECD là 79,1 ngày.

Xét về mức độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện thì Việt Nam được 6/8 điểm - tăng 3 điểm so với năm 2016 (năm 2016 là 3/8 điểm).

Với kết quả đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam đã vượt yêu cầu về thứ hạng của Chính phủ đối với mục tiêu đạt hạng 70 về chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017.

Trong thời gian qua, EVN đã có nhiều nỗ lực cải thiện trong hoạt động điện lực, từ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho đến cung cấp dịch vụ điện theo hướng đơn giản và thuận tiện hơn cho khách hàng. 

Đến cuối năm nay, 100% dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đều có thể thực hiện đăng ký trực tuyến. Đây là một trong những nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cải thiện độ tin cậy cung cấp điện để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Giang Thư Quân

Bạn có thể quan tâm