Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng trốn phá sản

Phá sản một ngân hàng không chỉ là chuyện của một doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Quy định chưa từng được áp dụng

Đối với một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đặc thù như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác (dưới đây tạm gọi chung là ngân hàng), do ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế, xã hội, nên việc phá sản cũng được xử lý một cách đặc biệt thận trọng, chặt chẽ. Vì vậy, ngoài những quy định chung trong Luật Phá sản năm 2004, thì việc phá sản ngân hàng còn được quy định cụ thể thêm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. 

Đó là, Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định về việc phá sản đối với các tổ chức tín dụng, Thông tư số 08/2010/TT-NHNN về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, Thông tư số 34/2011/TT-NHNN về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý các tổ chức tín dụng... Đến nay, các quy định về việc phá sản ngân hàng đã được quy định thành hẳn một chương riêng trong Luật Phá sản năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015.

Từ nhiều năm nay, đã có nhiều quy định của pháp luật về việc phá sản ngân hàng nhưng chúng chưa từng được áp dụng trên thực tế, cho dù đã có vài chục ngân hàng bị xóa sổ.

Cơ chế kiểm soát đặc biệt

Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa gật đầu, thì sẽ không bao giờ xảy ra việc tòa án thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản ngân hàng như đối với các doanh nghiệp khác. Tức là, tuy đã áp dụng Luật Phá sản đấy, nhưng lại không nhằm giải quyết phá sản ngân hàng. Vì thủ tục thực hiện việc phá sản ngân hàng có sự khác xa so với doanh nghiệp khác. 

Rõ nhất là doanh nghiệp chỉ có thể bị yêu cầu tuyên bố phá sản sau khi đã mất khả năng thanh toán quá thời hạn ba tháng. Nhưng thời hạn này sẽ là quá dài đối với ngân hàng, nhất là đối với các khoản nợ là tiền gửi của khách hàng. Nếu ngân hàng không chi trả được cho khách hàng trong vòng ba ngày, thì chỉ còn nước đóng cửa, hay nói cách khác là đã sụp đổ, không còn cơ hội sống sót.

Người gửi tiền có quyền tiếp tục hy vọng rằng, sẽ không bị mất tiền gửi ngân hàng hoặc có bị thiệt hại thì cũng ở mức tối thiểu.

Người gửi tiền có quyền tiếp tục hy vọng rằng, sẽ không bị mất tiền gửi ngân hàng hoặc có bị thiệt hại thì cũng ở mức tối thiểu.

Vì vậy, cơ chế kiểm soát đặc biệt được đặt ra để xử lý rất sớm đối với ngân hàng, nhằm tránh nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán như doanh nghiệp. Đặc biệt, dù cho ngân hàng có bị lâm vào tình trạng bị phá sản, thì cũng chưa được phép sử dụng thẳng Luật Phá sản, mà buộc phải vòng qua một giai đoạn tự xử trong ngành ngân hàng, hoàn toàn chưa có sự can thiệp của tòa án.

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, thì ngân hàng sẽ bị kiểm soát đặc biệt nếu như rơi vào một trong năm trường hợp: có nguy cơ mất khả năng thanh toán, nợ xấu chiếm từ 10% trở lên, số lỗ lũy kế lớn hơn 50% tổng số vốn tự có, bị xếp loại yếu kém và không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

Khi một ngân hàng bị NHNN kiểm soát đặc biệt, thì về bản chất cũng giống với việc một doanh nghiệp đã bị tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản. Kiểm soát đặc biệt chính là một hành động “ân huệ” của NHNN đối với ngân hàng thương mại, tương tự như thủ tục mà chủ nợ quyết định “ân huệ” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong quá trình tòa án giải quyết việc phá sản doanh nghiệp.

Nhưng nếu như cơ hội tái sinh đối với các doanh nghiệp là khá mong manh, thì cơ hội hồi sinh đối với ngân hàng luôn rất cao, vì mục tiêu hàng đầu luôn là cứu sống ngân hàng. Do đó, luật có những quy định đặc thù như NHNN và các ngân hàng khác có trách nhiệm cho ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt vay vốn. Và các khoản nợ này sẽ được ưu tiên thanh toán trước tất cả các khoản khác. Đây là điều không bao giờ có đối với doanh nghiệp.

Nếu ngân hàng không phục hồi được khả năng thanh toán sau khi đã qua giai đoạn kiểm soát đặc biệt, thì hậu quả phá sản là không thể tránh khỏi. Việc chuyển sang tòa án lúc này chỉ còn là thủ tục cuối cùng: công bố quyết định phá sản ngân hàng. Không còn việc tòa án xem xét có thụ lý yêu cầu tuyên bố phá sản hay không. Cũng không cần trải qua thủ tục để các chủ nợ gia ân cho ngân hàng một cơ hội sống lại.

'Ngân hàng yếu quá cũng nên để cho chết!'

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội cho rằng, những ngân hàng kém cỏi nên để cho chết và chỉ để lại những đơn vị khoẻ mạnh.

Hiếm có cơ hội... phá sản

Từ trước đến nay, ngân hàng yếu kém, vi phạm, thua lỗ, mất khả năng thanh toán đều được hết lòng cứu giúp. Nếu không khôi phục được, thì dùng bài hợp nhất hoặc sáp nhập với ngân hàng khác. Giải pháp xấu nhất mới là giải thể từ từ, êm đẹp. Cùng bất đắc dĩ thì mới phải tính tới nước phá sản. Không phải Nhà nước ưu ái đối với các ông chủ ngân hàng, mà tất cả là vì quyền lợi của người gửi tiền. Ngoài ra là còn vì sự an toàn và ổn định của nền tài chính quốc gia.

Do đó, người gửi tiền vẫn sẽ có quyền tiếp tục hy vọng rằng, sẽ không bị mất tiền gửi ngân hàng hoặc có bị thiệt hại thì cũng ở mức tối thiểu. Thậm chí có thể ví rằng, khách hàng còn yên tâm hơn cả trường hợp không may gặp phải kẻ lừa đảo trong ngân hàng như vụ Huyền Như vừa qua. Vì vậy, trong những năm trước mắt, gần như sẽ không xảy ra việc người gửi tiền ngân hàng tận dụng quyền của chủ nợ để yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản ngân hàng. Nếu có việc phá sản ngân hàng xảy ra, thì nguy cơ chủ yếu sẽ là mất phần vốn góp của các chủ sở hữu ngân hàng, ít là một vài ngàn tỷ đồng , nhiều là vài chục ngàn tỷ đồng .

Tóm lại, tòa án chỉ thụ lý giải quyết một vụ phá sản ngân hàng sau khi nó đã trải qua thủ tục kiểm soát đặc biệt. Mà theo các quy định pháp luật hiện hành, cũng như thực tế lâu nay, thì việc kiểm soát đặc biệt phải được tiến hành một cách kịp thời, hiệu quả, để ngăn ngừa và kiểm soát nguy cơ phá sản ngân hàng. Nếu để kéo dài tình trạng rủi ro, thua lỗ, yếu kém, dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản ngân hàng thì dường như trách nhiệm chính lại thuộc về Nhà nước, mà trực tiếp là NHNN và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Vì thế, dù có cho hay không cho ngân hàng phá sản trong giai đoạn hiện nay, thì hậu quả pháp lý cũng như tình trạng thực tế về cơ bản cũng không quá khác biệt.

Mặc dù pháp luật vẫn quy định rằng ngân hàng cũng bị phá sản như các doanh nghiệp khác, nhưng trên thực tế thì khả năng phá sản ngân hàng theo luật chỉ là hy hữu.

http://www.thesaigontimes.vn/125679/Ngan-hang-tron-pha-san.html

Theo Luật sư Trương Thanh Đức/ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm