Ông lấy ví dụ, hôm nay là ngày thứ Bảy, Ngân hàng Nhà nước sẽ có tuyên bố ngân hàng X, do ông A đứng đầu đủ các điều kiện phá sản, vì mất khả năng thanh toán. Ngay thời điểm đó, sẽ có một cá nhân hay tổ chức khác đứng ra mua lại ngân hàng đó, sẽ đặt tên là ngân hàng Z và đứng đầu là ông B. Tuy nhiên, trụ sở, bộ máy vẫn nguyên xi, chỉ có khách hàng là thay đổi chủ nợ, nhưng con nợ vẫn nguyên.
“Ngày thứ Bảy tuyên bố phá sản, nhưng ngày thứ Hai đầu tuần sau ngân hàng này lại hoạt động bình thường, gọi phá sản qua đêm. Chính các làm này sẽ tạo sự yên tâm cho người gửi tiền gửi và không rút vốn nữa. Thậm chí, người ta còn gửi tiền vào từ khi có ông chủ mới”, ông Thảo bình luận.
Ông Đinh Xuân Thảo. |
- Tội phạm liên quan nhiều đến tham nhũng là tội phạm kinh tế, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Ông đánh giá loại hình tội phạm này như thế nào?
- Đúng là lĩnh vực tội phạm kinh tế là một lĩnh vực khá nghiêm trọng nhất là trong tình hình kinh tế, rồi khâu quản lý kẽ hở chưa chặt. Lợi dụng điều này, tội phạm kinh tế diễn ra khá phức tạp. Đây là lĩnh vực cơ quan điều tra hết sức quan tâm chú ý. Thật ra, lâu nay, cơ quan chuyên điều tra tội phạm kinh tế làm khá tốt, phát hiện ra nhiều vụ án kinh tế rất nghiêm trọng. Ví như, trong lĩnh vực ngân hàng vừa qua, nhiều cán bộ ngân hàng và bên ngoài móc ngoặc để chiếm dụng tài sản đã được phát hiện, đã, đang và sẽ xử lý khá tốt.
Tuy nhiên, pháp luật vẫn có những kẻ hở để tội phạm lợi dụng. Vì thế, lần họp Quốc hội này sẽ sửa một số luật đảm bảo cho chặt chẽ. Ví dụ cho vay tiền, ngoài có bảo lãnh ngân hàng vẫn phải kiểm soát được đồng tiền.
Ở các nước, người ta cho vay 2 tỷ đồng thì không phải một là ngân hàng giải ngân hết ngay, mà chỉ đưa trình tự. Phải giám sát tiền sử dụng đúng không, hiệu quả không thì ngân hàng mới giải ngân tiếp.
Chứ không có chuyện hồ sơ gửi lên ngân hàng là vay để sản xuất kinh doanh nhưng lại đầu cơ bất động sản. Khi thị trường bất động sản bị đóng băng ngân hàng lại gánh nợ xấu. Phải chấn chỉnh cho chặt chẽ.
- Hiện nay trong ngân hàng đang có khái niệm “sân sau”. Khái niệm này sẽ được điều chỉnh thế nào, thưa ông?
- Đây cũng là vấn đề không đơn giản. Ví dụ, công ty A có vốn lớn thì nhiều người nghĩ ngay đến việc có ai đó “đứng sau”. Hay như hôm thảo luận về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), cũng có đại biểu cho rằng phải gắn trách nhiệm thẩm quyền của ngân hàng vào đó. Các nước quy định rõ tiền vốn đó phải là tiền sạch, còn nước ta chưa làm tốt việc này nên dễ dẫn đến rửa tiền.
“Sân sau” được hiểu hoặc là có tài sản, hoặc không có tài sản cũng phải có thẩm quyền, để quyết giao cho doanh nghiệp A dự án này, dự án kia, hay vay người này người kia. Nếu chỉ nghe đồn đoán thôi thì rất khó, vì không ai tự khai ra nói tài sản tôi có được từ nguồn này nguồn kia. Có người rất giàu, nhưng tài sản rất rõ nguồn gốc. Nhưng không ít người cũng rất giàu nhưng dân lại không biết nguồn gốc tài sản ở đâu, nên người ta nghi có ai đứng sau.
- Qua phiên chất vấn và một số vụ việc bắt bớ trong lĩnh vực ngân hàng vừa qua, ông đánh giá thế nào về phản ứng từ phía ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước?
Chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào đầu tư công, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Ngân hàng, ngoài sắp xếp lại thì còn có việc giải quết nợ xấu, phải kiện toàn lại tổ chức bộ máy, năng lực yếu kém nếu cứ để đua nở như thế, phải phát hiện xử lý để làm cho tốt thôi.
Trong 1 tập thể, 100 người xấu thì chỉ một vài người, nhưng nếu không làm không phát hiện mà bỏ qua thì kẻ xấu cứ nằm trong đó, phá phách, rồi số lượng người xấu tăng lên. Nếu ta đã bắt được những con sâu con mọt thì sẽ làm tổ chức trong sạch hơn.
- Ông đánh giá thế nào về loại hình tội phạm ngân hàng hiện nay?
- Cái này cần phải có một quyết tâm, phải làm thường xuyên liên tục đến nơi đến chốn, đến tận cùng. Trước đây người ta coi đây là lĩnh vực dễ trong đầu tư kinh doanh, có người không có năng lực nhưng vẫn được làm.
Với cái đà thực hiện tái cơ cấu này, phải làm mạnh, quyết liệt, đối với những trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm, để có tác dụng răn đe tốt hơn.