Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể dùng ngân sách để trả nợ xấu cho DNNN

Nợ, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là bao nhiêu, và vì sao không nên dùng ngân sách nhà nước chi trả cho khu vực này?

Văn phòng chính phủ mới đây vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút kiến nghị dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của DNNN mà Bộ này đã “lỡ” đưa vào dự thảo báo cáo tái cơ cấu kinh tế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là phản ứng nhanh trong bối cảnh dư luận xã hội, báo chí lên tiếng lo ngại về đề nghị này.

Đề xuất dùng NSNN để cứu nợ xấu của DNNN đã bị rút lại. Ảnh : TL SGT
Đề xuất dùng NSNN để cứu nợ xấu của DNNN đã bị rút lại. Ảnh : TL SGT

Câu hỏi đặt ra, liệu khu vực doanh nghiệp nhà nước đang vay nợ bao nhiêu, trong đó bao nhiêu là nợ xấu, và khu vực doanh nghiệp có đáng được cứu?

Trước khi tìm câu trả lời, cần nêu lại một số ví dụ điển hình của các DNNN mấy năm gần đây. Đó là Nhà nước đã phải hỗ trợ cho khoản nợ nước ngoài trị giá 600 triệu đô la Mỹ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nợ nước ngoài hàng chục triệu đô la Mỹ của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), hay nợ hàng ngàn tỷ đồng của công ty Xi măng Đồng Bành,...

Trong khi đó, một lượng lớn nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh. Căn cứ Bản tin nợ công số 2, các chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh tính toán, tính đến cuối năm 2013, tổng nợ được Chính phủ bảo lãnh là hơn 342,7 ngàn tỷ đồng, tương đương 11,6% GDP. Trong đó, 5,1% GDP là bảo lãnh vay nước ngoài và 6,5% GDP là bảo lãnh vay trong nước.

Cũng theo Bản tin trên, hai  nhà kinh tế này cho biết,  tính đến hết năm 2012 có tới 11,4% GDP nợ nước ngoài, mà trong đó phần lớn là nợ của DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh.

Còn theo Báo cáo số 490/BC-CP của Chính phủ trình Quốc hội cuối năm 2013, thì tổng nợ của DNNN tính đến 31/12/2012 là gần 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ của các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là gần 1,55 triệu tỷ đồng, tương đương 52,5% GDP.

Phần lớn nợ của DNNN tập trung vào các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Mặc dù số lượng chỉ có 105 doanh nghiệp, nhưng các TĐKT và TCT nhà nước có tổng số nợ phải trả là 1,35 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 80% tổng nợ của DNNN, theo Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi những tập đoàn, tổng công ty nhà nước không thể trả nợ đúng hạn hay đứng trước nguy cơ phá sản, dù các khoản vay này không thuộc diện được bảo lãnh, như trường hợp của Vinashin, HUD, hay Công ty xi măng Đồng Bành.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất lên tới khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuy Bộ này không cho biết số nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho ai, nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hộ từng tiết lộ rằng, số tiền này được cấp cho hai ngân hàng thương mại quốc doanh.

Doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào có thể vay được từ hai ngân hàng này, chắc chắn không thể thiếu DNNN? Như vậy, thực sự NSNN đã hỗ trợ khu vực DNNN rất nhiều.

Trong khi đó, phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 204 vào cuối năm 2013, thì khu vực DNNN mới phải nộp cổ tức và lợi nhuận về ngân sách. Số tiền này lên tới 32,5 ngàn tỷ đồng, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, theo Bộ Tài chính. Câu hỏi đặt ra là ai đã hưởng lợi từ khoản tiền này trong những năm trước.

Ngân sách nhà nước chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, khi Nhà nước đã phải vay nợ về để chi thường xuyên và trả nợ, nợ công ngày càng phình lớn. Vì lẽ đó, không thể lấy tiền ngân sách để cứu những doanh nghiệp hoạt động theo kiển “lời ăn, lỗ dân chịu”.

http://www.thesaigontimes.vn/121715/khong-the-dung-ngan-sach-de-tra-no-xau-cho-dnnn.html/

Theo Tư Hoàng/ TBKTSG

Bạn có thể quan tâm