TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Phải để cho ngân hàng nhỏ chiến đấu’
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thiết phải để cho các ngân hàng nhỏ chiến đấu với nhau vì khi VAMC đi vào hoạt động, những đơn vị này sẽ gặp nguy cơ lớn.
Tại hội thảo của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) với chủ đề “Nợ xấu, lãi suất và thị trường chứng khoán” diễn ra chiều nay, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cách giải quyết nợ xấu của Việt Nam đang sử dụng là phương án Chính phủ can thiệp bằng tiền tệ, kết hợp với bằng ngân sách. Về những nghi ngại đối với việc dùng VAMC để giải quyết nợ, ông Nghĩa hay, không nên có, vì phương pháp giải quyết hiện nay là tối ưu, cũng được nhiều nước áp dụng.
Việc xử lý nợ xấu với phương pháp can thiệp bằng tiền tệ có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm, bằng cách sử dụng các công cụ bao gồm dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại hối và tái cấp vốn, có thể khiến tín dụng tăng trưởng 12-14% một cách từ từ, bất động sản cũng tăng từ từ và GDP tăng ở 6-6,2%. Còn với cách thức dùng tiền ngân sách, thời gian xử lý các khoản nợ xấu sẽ ngắn hơn, khoảng 2-3 năm, tín dụng tăng được 14-17% và GDP ở 8%, với những cách thức như bán tài sản nhà nước là cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, vay ngoại, vay nội. Hiện tại, VAMC đang hoạt động theo mô hình xử lý nợ xấu can thiệp bằng tiền tệ, kết hợp với bằng ngân sách tại phân đoạn chuyển nợ cho công ty mua bán nợ (DATC), đương nhiên có ngân sách từ nhà nước.
Nên để các ngân hàng nhỏ tự cạnh tranh, đơn vị nào yếu sẽ "chết" trong tiến trình xử lý nợ xấu. |
Với VAMC, nhóm tư vấn chính sách tiền tệ đang kiến nghị quyết liệt để thêm chức năng cho cơ quan này. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, VAMC nên có thêm những chức năng như bảo lãnh cho vay, tài trợ tài chính trực tiếp hoặc đầu tư vào doanh nghiệp nhằm giải quyết khâu tiếp cận vốn. Như hiện tại, với hoạt động theo quy trình, nếu nợ xấu được chuyển từ ngân hàng sang VAMC thì đương nhiên kéo theo tài sản của doanh nghiệp cũng chuyển sang ngân hàng, khi đó, muốn đi vay, doanh nghiệp không có thế chấp nên việc vay vốn không đơn giản.
Do đó, để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và kích thích được sản xuất, tăng tổng cầu, tăng trưởng kinh tế, ông cho rằng cần thiết phải có VAMC đứng ra bảo lãnh. Hoặc trường hợp khác, VAMC có thể đầu tư vào doanh nghiệp, trả toàn bộ tài sản thế chấp về để các đơn vị này có tài sản đảm bảo cho ngân hàng, vay được vốn. “VAMC có chức năng và nhiệm vụ như một ngân hàng đầu tư, khi xong hết nhiệm vụ và sứ mệnh có thể chuyển sang mô hình ngân hàng đầu tư giống như Hàn Quốc đã thực hiện”, ông Lê Xuân Nghĩa nêu ý kiến
Những ý kiến tranh luận trái chiều về việc để các ngân hàng phá sản trong thời gian qua cũng được ông Lê Xuân Nghĩa đưa ra nhận định. Theo chuyên gia này, với quy định hiện hành, trái phiếu chính phủ được đưa vào nội bảng và trở thành tài sản chính bị trích lập dự phòng rủi ro 20%, áp dụng với các ngân hàng trung bình. Điều này khiến cho chi phí hoạt động của ngân hàng tăng, đặc biết với các đơn vị yếu kém và có nợ xấu lớn, dễ dẫn đến ngân hàng lỗ nặng, thậm chí ăn vào vốn tự có. “Đây cũng là nhân tố làm tăng chí phí, đẩy lãi suất… và nhiều người cho rằng nó đang đi ngược lại với thông điệp phải hạ lãi suất của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Song thực tế chưa hẳn, vì với tình hình hiện nay, cần thiết phải cho các ngân hàng cạnh tranh tự do, ngân hàng yếu, không trụ được, thì phải chết”, ông Nghĩa nêu quan điểm. Khi cung tiền đã ổn định, nợ xấu giảm, các ngân hàng cũng không dễ gì tăng lãi suất, nên việc xử lý với sự can thiệp của VAMC sẽ tạo sức ép lên ngân hàng yếu.
“Đây là điều sẽ xảy ra nhưng nhiều ngân hàng dường như chưa nhận ra, có lẽ do chưa đọc kỹ quy định của VAMC, hoặc có đọc cũng chỉ nhận ra lờ mờ, mà chưa biết đó là nguy cơ lớn với các nhà băng, đặc biệt với những nhà băng nhỏ”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Lan Anh
Theo Infonet