Trong thông báo mới nhất, VPBank cho biết TP.HCM đang từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh tại thành phố và cho phép một số dịch vụ thiết yếu mở cửa hoạt động.
Thực hiện theo chỉ thị của UBND TP.HCM, đồng thời đáp ứng nhu cầu về giao dịch tài chính của người dân, VPBank cho biết đã mở cửa trở lại tất cả chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn thành phố từ 1/10.
Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho khách hàng tới giao dịch, VPBank vẫn sẽ tiếp tục áp dụng các quy định của Bộ Y tế, ngân hàng về phòng, chống dịch bao gồm đo nhiệt độ tại cửa ra vào, khai báo y tế bằng QR code, tuân thủ quy tắc 5K, thường xuyên khử khuẩn...
Ngoài ra, nhà băng này cũng đảm bảo tất cả cán bộ nhân viên đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19 và thường xuyên test kiểm tra định kỳ.
Tương tự, ACB cũng cho biết đã mở cửa trở lại với 128 điểm giao dịch trên địa bàn TP.HCM từ đầu tháng 10. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn tạm dừng hoạt động với 1 phòng giao dịch tại Gò Vấp và 8 điểm không tiếp nhận giao dịch tiền mặt tại quầy.
Các ngân hàng bắt đầu mở cửa trở lại với các chi nhánh, phòng giao dịch khu vực TP.HCM. Ảnh: Nam Khánh. |
DongA Bank cho biết đã mở cửa hoạt động trở lại với tất cả đơn vị kinh doanh khu vực TP.HCM từ ngày 27/9.
Tuy vậy, để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhà băng này khuyến khích khách hàng sử dụng các phương thức giao dịch online, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Đại diện Techcombank cho biết sau khi UBND TP.HCM có chỉ thị cho phép hoạt động trở lại, ngân hàng đã đưa các chi nhánh và phòng giao dịch khu vực trở lại. Trong đó, đảm bảo việc trở lại hoạt động của các điểm giao dịch phải tuân thủ đầy đủ biện pháp về phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài nhóm ngân hàng kể trên, hiện một loạt ngân hàng khác như HSBC Việt Nam, SCB, SHB, Sacombank… cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại với các chi nhánh và phòng giao dịch tại TP.HCM.
Nói với Zing, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết trong thông báo của UBND thành phố cho phép các hoạt động dịch vụ trở lại và không khống chế số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Theo đó, số lượng lao động sẽ do các đơn vị tự quyết định.
Về phía NHNN, cơ quan quản lý cũng có yêu cầu các tổ chức tín dụng bố trí người lao động đi làm trở lại phải có thẻ xanh, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày...
“NHNN cho phép các đơn vị chủ động quyết định số lượng điểm giao dịch hoạt động trở lại đợt này, nhưng phải tổng hợp báo cáo lại cơ quan quản lý”, ông Minh thông tin.
Phó giám đốc NHNN TP.HCM cũng cho biết trong suốt thời gian giãn cách xã hội vừa qua, NHNN, các ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thanh toán và tiền mặt luôn thông suốt.
Dù nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng phải tạm dừng trong đợt giãn cách xã hội vừa qua nhưng 2 lĩnh vực kể trên luôn được bố trí nhân sự hoạt động liên tục, kể cả việc cung ứng đầy đủ tiền mặt tại các điểm ATM.
Đặc biệt, ông Minh cho biết trước đây 10 ngày, NHNN thành phố đã có công văn gửi UBND và Công an thành phố về việc cho phép các tổ chức tín dụng tăng cường nhân sự tín dụng di chuyển để triển khai Thông tư 14 hiệu quả.
Nguyên nhân do công tác hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vốn gặp khó khăn bởi dịch được cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới… hiện nay đều bắt buộc phải xử lý trên hồ sơ trực tiếp. Vì vậy, việc bố trí thêm nhân sự tín dụng đợt này là rất cần thiết.
Về phía các tổ chức tín dụng, NHNN TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị, bổ sung lực lượng lao động để làm tốt công tác này, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kinh tế phục hồi sau giãn cách.