Đây là thông tin được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại buổi đối thoại về gói hỗ trợ lãi suất của ngành ngân hàng với người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết các ngân hàng đang lên kế hoạch để cho vay ra thị trường với gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô cho vay hơn 100.000 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm, ông Tuấn Anh cho biết đến nay, các ngân hàng đã dành khoảng 26.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các nhà băng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ và doanh số cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đã đạt 4,46 triệu tỷ đồng.
Tuy vậy, lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho rằng từ những kinh nghiệm trước đây, trong thời gian tới khi xây dựng cơ chế chính sách, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tính toán đến các mục tiêu, nhưng quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Gói tín dụng cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng đang được các ngân hàng lên kế hoạch tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ cho vay lãi suất thấp. Ảnh: Nam Khánh. |
Tại buổi đối thoại, đánh giá về gói tín dụng lãi suất thấp kể trên của ngành ngân hàng, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng quy mô gói tín dụng này vẫn quá nhỏ so với dư nợ toàn nền kinh tế và không thấm vào đâu để tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi.
Mới đây chủ tịch Quốc hội đã có yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.
Ông Nghĩa cho rằng gợi ý này của chủ tịch Quốc hội cần được thảo luận một cách nghiêm túc. Theo đó, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ hai phía, bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách, để bớt nặng để cho cả hai bên.
Cụ thể, hiện nay Chính phủ và Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh không đủ.
Theo vị chuyên gia, cần dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng để tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung cho thị trường, có thể là 1%/năm. Điều này cộng với gói tín dụng lãi suất thấp kể trên sẽ tạo nên hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng đối với các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất kể trên cần tiếp cận khách hàng theo hướng cởi mở hơn thay vì đưa ra các quy chuẩn theo Luật Các tổ chức tín dụng như khách hàng không được có nợ xấu, phải đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, phải có tài sản đảm bảo.
Theo đó, cần có khung pháp lý riêng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch khi doanh thu sụt giảm, thậm chí lợi nhuận có thể âm, không có tài sản đảm bảo…
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng việc kéo dài gói hỗ trợ này trong bao lâu cũng cần được tính toán.
Ngoài ra, các chính sách về tín dụng và lãi suất này cần áp dụng cho tất cả doanh nghiệp trong mọi ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chứ không áp dụng riêng cho nhóm doanh nghiệp nào.