Trong tuần này, các ngân hàng tại Mỹ sẽ lần lượt công bố báo cáo tài chính quý I. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Reuters, cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành ngân hàng trong vòng 10 năm đã khiến dòng tiền chảy khỏi các nhà băng Mỹ. Trong quý I, tiền gửi tại State Street Corp và M&T Bank Corp đều sụt giảm 3%.
Còn tiền gửi tại ngân hàng Charles Schwab Corp giảm mạnh 11% so với quý cuối của năm ngoái. Thông tin này khiến cổ phiếu của nhiều nhà băng khác lao dốc. Ngay cả Wells Fargo - ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ - cũng ghi nhận giá trị tiền gửi sụt giảm 2% trong quý I.
Trong tuần này, nhiều ngân hàng khu vực của Mỹ sẽ báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như tác động từ 2 vụ phá sản ngân hàng tại nước này vào tháng trước.
"Tháo chạy" tiền gửi
Dựa vào các báo cáo tài chính, giới đầu tư cũng có thể đánh giá được tác động từ những đợt tăng lãi suất dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất đi lên sẽ giúp doanh thu của ngành ngân hàng tăng cao, nhưng cũng làm triển vọng đầu tư trở nên bấp bênh hơn.
Cả Schwab và M&T Bank đều ghi nhận lợi nhuận từ lãi vay tăng vọt. Nhưng lợi nhuận của State Street bị sụt giảm vì dòng tiền gửi chảy khỏi ngân hàng.
Lợi nhuận của State Street không đạt kỳ vọng vì nguồn thu từ lãi vay thấp hơn dự kiến.
Chuyên gia phân tích Susan Katzke của Credit Suisse
"Lợi nhuận của State Street không đạt kỳ vọng vì nguồn thu ròng từ lãi vay thấp hơn dự kiến", chuyên gia phân tích Susan Katzke của Credit Suisse nhận định.
Theo dữ liệu của Fed, trong tuần kết thúc vào ngày 5/4, tổng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại ở Mỹ đã tăng lên 17.430 tỷ USD.
Nhưng so với thời điểm trước khi Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank phá sản, tiền gửi tại những nhà băng lớn nhất nước Mỹ đã tăng lên, trong khi tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ lao dốc.
Các nhà băng lớn vẫn sống khỏe
JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo - những nhà băng hàng đầu nước Mỹ - đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I khả quan hơn dự báo.
Trong quý đầu tiên của năm, JPMorgan - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 52%. Trong khi đó, Citigroup - nhà băng lớn thứ 3 - lãi 4,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Charles Scharf, Giám đốc điều hành Wells Fargo cũng khẳng định "phần lớn các hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn vững mạnh".
Dựa trên các dữ liệu mới nhất, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng có thể chỉ tác động mạnh tới những nhà băng quy mô nhỏ và ngân hàng khu vực.
Giữa tháng trước, SVB - ngân hàng lớn thứ 17 nước Mỹ - đã bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Rắc rối của SVB đã châm ngòi cho làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng nhỏ, ngân hàng khu vực tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Rắc rối của SVB đến từ các đợt tăng lãi suất ồ ạt của Fed. Khi Fed mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, khách hàng của SVB - đa số là startup công nghệ - buộc phải rút tiền gửi để duy trì hoạt động.
Để đối phó với làn sóng rút tiền, SVB buộc phải bán tài sản, chủ yếu là các trái phiếu đã mất phần lớn giá trị.
Vài ngày sau, Signature Bank trở thành ngân hàng lớn thứ 3 phá sản ở Mỹ. Các khách hàng ồ ạt rút tới 20% tổng tiền gửi tại nhà băng này.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...