Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng Nhà nước lý giải việc ngừng giải ngân 30.000 tỷ

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ cho một đối tượng.

Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) vừa có ý kiến liên quan đến một số thông tin phản ánh việc một số khách hàng vay vốn Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP bất ngờ và lo lắng khi biết số tiền giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ chịu lãi suất vay thương mại.

Cụ thể, cơ quan này khẳng định, đến nay về cơ bản Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đã đạt được các mục tiêu đề ra, chính sách này đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, thị trường đã phục hồi và phát triển khởi sắc.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ cho một đối tượng.

Thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo cân đối chung về nguồn vốn, tập trung vốn tín dụng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng dẫn chứng, tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định: Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này.

Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30 nghìn tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/06/2013).

Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về các quy định của Chương trình. Trong đó nội dung về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay, thời hạn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi như đăng tải trên Website Ngân hàng Nhà nước, thông tin trên VOV, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội T HCM, chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố, Hiệp hội bất động sản.

Như vậy ngay từ đầu Chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, lãi suất vay ưu đãi cũng như trong quá trình thực hiện Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đăng tải quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này trên phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin để doanh nghiệp, người dân được biết.

Về thông tin cho rằng, khách hàng vay vốn theo Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay vốn còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 và tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 32/2015/TT-NHNN ngày 18/11/2015 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở.

Theo đó đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm).

Về thông tin cho rằng, một số khách hàng vay vốn mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định: Trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các ngân hàng tham gia chương trình có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện việc thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ngân hàng cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất…vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng.

Về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp.

Nhà nước muốn ngân hàng bớt phụ thuộc vào BĐS

Trước khi sửa đổi thông tư 36, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản cuối năm 2015 đã tăng gần 26% so với năm 2014. Điều này, theo Ngân hàng Nhà nước, tiềm ẩn rủi ro lớn.

http://bnews.vn/ngan-hang-nha-nuoc-ly-giai-ve-viec-ngung-giai-ngan-goi-30-nghin-ty-dong/11321.html

Theo Đỗ Huyền/Bnews

Bạn có thể quan tâm