Ngay ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) thông báo tuyển gần 200 nhân sự mới, có cả vị trí giám đốc chi nhánh.
Một ngân hàng quy mô còn nhỏ có kế hoạch tuyển dụng lớn. Nhưng không phải “làm hàng”, mà là nhu cầu thực.
Cầu xây xong đã lâu
Chỉ trong quý IV/2015 đến đầu 2016, một loạt chi nhánh, phòng giao dịch mới của các ngân hàng thương mại được cấp phép. Hơn 20 ngân hàng thương mại được cấp phép mở gần 100 chi nhánh và phòng giao dịch mới (một phần nhỏ được chuyển đổi từ quỹ tiết kiệm) chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm nay.
Như trên, Viet Capital Bank là một điển hình. Kế hoạch tuyển 200 nhân sự mới nhằm đáp ứng nhu cầu mở thêm 10 chi nhánh và phòng giao dịch vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Nhiều thành viên khác cũng được cấp “hạn mức” mở thêm từ 6-10 chi nhánh, phòng giao dịch; cũng như trong năm 2015 một số trường hợp đã được cấp với quy mô lớn.
Chỉ trong quý IV/2015 đến đầu 2016, một loạt chi nhánh, phòng giao dịch mới của các ngân hàng thương mại được cấp phép. |
Theo dõi ở diễn biến hoạt động này của hệ thống các ngân hàng Việt Nam, đây là giai đoạn có tần suất và mức độ cấp phép nhiều nhất trong vòng 5 năm qua.
Trước đây, từ đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã từng hãm phanh. Tại thời điểm đó, lý do nhà điều hành đưa ra là để hoàn thiện khung pháp lý mới.
Trong khi chờ đợi soạn thảo và ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về nội dung này, Ngân hàng Nhà nước có công văn hướng dẫn kèm theo các điều kiện khá riêng, cũng như ngừng hẳn việc cấp phép đối với những ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu vốn pháp định.
Trước năm 2011, thị trường từng chứng kiến hoạt động mở rộng mạng lưới ồ ạt của các ngân hàng thương mại. “Ra ngõ gặp ngân hàng” là câu nói ra đời trong bối cảnh này.
Nói một cách hình ảnh, chiếc cầu cấp phép chi nhánh và mạng lưới mở cho một lưu lượng lớn đi qua, dễ phát sinh lộn xộn trong hoạt động. Thực tế này đặt trong bối cảnh lạm phát liên tục leo thang, lãi suất nhức nhối tình trạng vượt trần, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống…
Nhà quản lý phải xây cầu mới. Thời gian xây càng lâu, lưu lượng đi qua càng hạn chế. Hay, việc cấp phép mở chi nhánh mới cho các ngân hàng giai đoạn 2011-2013 có thể xem là chuyển sang phương tiện “thuyền bè”, khi lượng cấp phép ít nhất so với nhiều năm trước.
Phải đến tháng 9/2013, Thông tư 21 quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại mới được ban hành. Cầu đã xây xong, nhưng phải đến nay thị trường mới chứng kiến tần suất cấp phép, cũng như làn sóng lập mới chi nhánh và phòng giao dịch lớn như hiện nay. Diễn biến và tần suất đó tất nhiên là có nguyên do.
Vượt được rào thì qua
Khi đã có thông tư quy định cụ thể, căn theo các điều kiện, nếu ngân hàng đáp ứng được thì giấy phép khó có thể trì hoãn thêm. Nhưng vì sao “cầu xây xong đã lâu” mà đến nay mới thực sự có đợt cấp phép với quy mô lớn như vậy?
Trước hết, Thông tư 21 đưa ra các điều kiện kỹ thuật cao hơn, chặt chẽ hơn và gắn sát với thực tế tình hình sức khỏe của mỗi ngân hàng. Để lập một chi nhánh mới nội thành Hà Nội hoặc TP HCM, ngân hàng đó phải có vốn điều lệ (giá trị thực) đối ứng 300 tỷ đồng; ở các tỉnh thành khác là 50 tỷ đồng.
Ngân hàng đó phải hoạt động có lãi, không vi phạm các tiêu chuẩn an toàn hoạt động. Đặc biệt, ngân hàng phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Những điều kiện trên đã loại nhiều ngân hàng thương mại ra khỏi diện được cấp phép mở chi nhánh mới.
Bởi lẽ, việc đáp ứng các điều kiện được thanh tra, giám sát chặt chẽ theo quá trình tái cơ cấu toàn hệ thống; càng khó khăn hơn khi Ngân hàng Nhà nước lần lượt áp chuẩn cao hơn, chặt hơn trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, cũng như trong xác định các giới hạn an toàn hoạt động.
Riêng ở điều kiện nợ xấu không quá 3% cũng đã dễ nhận thấy nhiều trường hợp không thể vượt rào kỹ thuật để xin cấp phép trong năm 2013 và 2014. Ở điều kiện này, sau năm cao điểm 2015 bán lại nợ xấu cho VAMC, nhiều thành viên đã đáp ứng được.
Đến nay, sau hai năm củng cố và chấn chỉnh lại theo các điều kiện, nhiều thành viên đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, vượt được rào kỹ thuật và việc cấp phép khó có thể trì hoãn thêm.
Ở một khía cạnh nhất định, việc hàng loạt ngân hàng được cấp phép mở nhiều chi nhánh, phòng giao dịch mới thời điểm này có thể xem là một dấu hiệu về tình hình sức khỏe và chuẩn mực hoạt động đã cải thiện, đảm bảo theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (qua các điều kiện tại Thông tư 21).
Thế nhưng, làn sóng mở rộng mạng lưới hiện nay cũng đẩy lên những vấn đề đáng chú ý.
Cạnh tranh mới, áp lực mới
Trở lại với thời điểm đầu 2011, có những nguyên do ẩn sau hướng hạn chế cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.
Thời điểm đó, từng có những ý kiến cho rằng hoạt động mở mới chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại quá nhiều cũng như đổ thêm dầu vào lửa lạm phát. Dòng vốn đầu tư lớn ở hoạt động này, cùng các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, lao động… liên quan được kích hoạt thêm, đi ngược với quan điểm “đánh vào tổng cầu” từng nổi bật giai đoạn đó.
Đáng quan ngại hơn, việc ồ ạt mở mới các điểm kinh doanh ngân hàng, áp lực kinh doanh càng dễ đẩy cao tình trạng vượt trần lãi suất, “đi đêm”, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống…
Nay, trước hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đang và sắp được mở mới, môi trường và áp lực cạnh tranh trong hệ thống sẽ quyết liệt hơn nữa. Cạnh tranh quyết liệt hơn, lợi ích khách hàng có cơ hội để được nâng cao hơn. Nhưng liệu có hạn chế được những lo ngại như trước đây?
Trong cạnh tranh cho vay, lo ngại là chất lượng tín dụng. Trong cạnh tranh huy động, lo ngại là lãi suất tăng lên. Thực tế, nợ xấu vẫn đang tồn đọng lớn trong hệ thống; lãi suất thì đang có dấu hiệu tăng trở lại.