Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang gặp căng thẳng khiến lãi suất liên ngân hàng tăng cao kỷ lục. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng trong tuần này đang ghi nhận xu hướng tăng đột biến, hiện đã lên vùng cao nhất kể từ năm 2012. Trong đó, phiên giao dịch ngày 5/10 đã ghi nhận lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường này chạm mốc 8,44%/năm, tăng 0,56 điểm % so với phiên liền trước và cao hơn 3,46 điểm % so với một tuần trước.
Bên cạnh lãi suất qua đêm, các kỳ hạn cho vay 1 tuần; 2 tuần và 1 tháng cũng ghi nhận mức tăng tương tự so với tuần trước, hiện đạt lần lượt 9,48%/năm (+3,96%); 8,47%/năm (+3.16%) và 7,69%/năm (+1,76%).
Đáng chú ý, do đây là mức lãi suất bình quân khoản tiền cho vay chéo giữa các ngân hàng, nên trên thực tế, sẽ có những khoản cho vay với lãi suất cao hơn mức 8,44%/năm này.
Ngân hàng thiếu tiền
Thực tế, lãi suất cho vay liên ngân hàng mới chỉ tăng đột biến khoảng một tuần gần đây, đưa mặt bằng lãi suất qua đêm từ vùng 5%/năm lên trên 8%/năm và lãi suất kỳ hạn 1 tuần đến 3 tháng tăng từ vùng 5-6%/năm lên 9%/năm.
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh phản ánh tình trạng căng thẳng cục bộ về thanh khoản ngắn hạn của các ngân hàng. Và để bù đắp vào phần thiếu hụt này, một mặt các ngân hàng phải chấp nhận vay mượn nhau với lãi suất rất cao, mặt khác phải tăng lãi suất trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân) để huy động vốn từ thị trường.
Từ cuối tháng 9 đến nay, thị trường cũng đã đón nhận hàng chục đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, trong đó, có cả nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank).
Cụ thể, ngay sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, nhóm ngân hàng Big 4 này đã đưa ra biểu lãi suất mới, trong đó, điều chỉnh tăng ở hầu hết kỳ hạn từ ngắn đến dài.
Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tại nhóm nhà băng này dao động trong khoảng 4,1-4,4%/năm, cao hơn 1 điểm % so với đầu tháng 9; kỳ hạn 6-11 tháng có lãi suất 4,7-4,8%/năm, cao hơn 0,7-0,8 điểm % và lãi suất 12 tháng trở lên là 6,4%/năm, tăng 0,8 điểm %.
DIỄN BIẾN GIAO DỊCH TRÊN THỊ TRƯỜNG MỞ CỦA NHNN | |||||||||||||||||||||||||
Nguồn: NHNN; Tổng hợp | |||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 5/9 | 6 | 7 | 8 | 9 | 12/9 | 13 | 14 | 15 | 16 | 19/9 | 20 | 21 | 22 | 23 | 26/9 | 27 | 28 | 29 | 30 | 3/10 | 4 | 5 | 6 | |
Mua vào (bơm tiền) | tỷ đồng | 14999.99 | 14999.99 | 28720.03 | 4708.74 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 938.37 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 999.99 | 702.54 | 999.99 | 2999.99 | 11999.99 | 19999.99 | 2920.23 |
Bán ra (hút tiền) | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | -22000 | -10600 | -12000 | -14200 | -14600 | -24999.9 | -12000 | -8000 | 0 | -6999.9 | -14999.7 | -14999.7 | -8400 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Với các ngân hàng tư nhân, mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng đã tăng lên vùng mới khi hầu hết khoản tiền gửi dưới 6 tháng đều có lãi suất chạm trần 5%/năm. Trong khi mức lãi suất 7%/năm những năm trước chỉ xuất hiện ở kỳ hạn dài 12 tháng nay đã xuất hiện phổ biến ở kỳ hạn 6 tháng.
Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, nhiều ngân hàng đã nâng lên mức xấp xỉ 8%/năm.
Không dừng lại ở các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm thông thường, các ngân hàng còn đẩy lãi suất huy động lên mức cao mới thông qua chứng chỉ tiền gửi. Hiện nhiều nhà băng đang đưa ra mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 8,4-8,55%/năm để huy động vốn dài hạn.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp căng thẳng, NHNN cũng đã phải chuyển trạng thái giao dịch trên thị trường mở từ hút ròng sang bơm ròng tiền Đồng.
Tính từ đầu tuần này, cơ quan quản lý tiền tệ đã thực hiện mua gần 38.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và không thực hiện bất kỳ giao dịch bán nào. Qua đó bơm ra thị trường lượng tiền Đồng tương ứng để hỗ trợ thanh khoản các nhà băng.
Không chỉ đảo chiều dòng tiền, lãi suất tín phiếu NHNN mua vào cũng đã tăng vọt từ mức 4,5%/năm hồi đầu tháng 9 lên 6,5-6,9%/năm trong tuần này, cho thấy các ngân hàng đang phải trả mức lãi suất cao hơn để được mượn tiền từ nhà điều hành.
Vì sao ngân hàng thiếu tiền
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính dẫn tới việc các ngân hàng thương mại gặp căng thẳng về thanh khoản và phải tìm nhiều nguồn huy động bù đắp với lãi suất cao hơn là do lượng lớn tiền Đồng đã bị rút khỏi hệ thống thông qua kênh bán ngoại tệ của NHNN.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính đến trước thời điểm nâng lãi suất điều hành (23/9), NHNN đã bán ra gần 20 tỷ USD để kìm đà tăng của tỷ giá USD/VNĐ.
Công ty Chứng khoán SSI cũng ước tính trong tuần cuối cùng của tháng 9, nhà điều hành đã hút ròng hơn 35.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ. Với giá bán tại các Sở giao dịch ở mức 23.925 đồng/USD, ước tính NHNN đã bán ra khoảng 1,46 tỷ USD trong tuần gần nhất. Nếu tính trong hai tuần cuối cùng của tháng 9, SSI ước tính lượng tiền Đồng bị rút về thông qua kênh bán ngoại tệ của NHNN vào khoảng 58.000 tỷ đồng, tương đương 2,45 tỷ USD.
NHNN LIÊN TỤC BÁN USD ĐỂ KÌM ĐÀ TĂNG CỦA TỶ GIÁ USD/VNĐ | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Diễn biến tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank. Nguồn: VCB; Tổng hợp | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 3/1 | 10 | 17 | 24 | 31 | 7/2 | 14 | 21 | 28 | 7/3 | 14 | 21 | 28 | 4/5 | 11 | 18 | 25 | 2/5 | 9 | 16 | 23 | 30 | 6/6 | 13 | 20 | 27 | 4/7 | 11 | 18 | 25 | 1/8 | 8 | 15 | 22 | 29 | 5/9 | 12 | 19 | 26 | 3/10 | 7 | |
Mua vào | đồng/USD | 22640 | 22540 | 22570 | 22530 | 22500 | 22530 | 22580 | 22650 | 22670 | 22710 | 22750 | 22730 | 22735 | 22700 | 22720 | 22780 | 22840 | 22815 | 22815 | 22950 | 23035 | 23050 | 23055 | 23060 | 23100 | 23110 | 23190 | 23210 | 23310 | 23250 | 23210 | 23250 | 23260 | 23265 | 23270 | 23400 | 23390 | 23530 | 23590 | 23760 | 23740 |
Bán ra | 22920 | 22820 | 22850 | 22810 | 22780 | 22810 | 22860 | 22930 | 22950 | 22990 | 23030 | 23010 | 23015 | 22980 | 23000 | 23060 | 23120 | 23095 | 23095 | 23230 | 23315 | 23330 | 23335 | 23340 | 23380 | 23390 | 23470 | 23490 | 23590 | 23530 | 23490 | 23530 | 23540 | 23545 | 23550 | 23680 | 23670 | 23810 | 23870 | 24040 | 24020 |
Tính theo số liệu của các công ty chứng khoán, đã có xấp xỉ 21,5 tỷ USD được bán ra từ đầu năm (bao gồm cả giao ngay và kỳ hạn). Với giá bán dao động trong khoảng 23.400-23.925 đồng/USD từ đầu năm, đã có trên dưới 500.000 tỷ đồng bị rút khỏi hệ thống ngân hàng qua kênh giao dịch này.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng huy động vốn đến ngày 20/9 của toàn hệ thống ngân hàng mới đạt khoảng 4,04% so với đầu năm, tương đương khoảng 440.000 tỷ đồng được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Số tiền này thậm chí thấp hơn lượng tiền Đồng bị rút khỏi thị trường qua kênh bán ngoại tệ từ đầu năm.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 10,54% so với đầu năm, tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng đã được bơm ra thị trường qua kênh tín dụng. Điều này đã tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.
Ngoài ra, trong bối cảnh NHNN mới phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 18 ngân hàng trong tháng 9 và phân bổ thêm lần hai cho 4 ngân hàng VPBank, HDBank, MBBank, Vietcombank (theo VNDirect), nhu cầu vốn của hệ thống ngân hàng càng tăng lên, đẩy lãi suất huy động lên mức cao mới.
Trước đó, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cho biết tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng những năm gần đây vẫn đạt bình quân 13-14%/năm trong khi tăng trưởng huy động thấp chỉ 6-7%/năm. Mức chênh này là quá cao nên hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn thiếu vốn.
Sở dĩ những năm trước chênh lệch huy động - tín dụng cao mà lãi suất huy động không tăng nhiều là do NHNN thực hiện mua vào ngoại tệ với giá trị bình quân 10-15 tỷ USD/năm, qua đó bơm vào hệ thống ngân hàng lượng tiền Đồng tương ứng 300.000-400.000 tỷ. Số dư tiền Đồng này giúp hệ thống ngân hàng không gặp quá nhiều áp lực khi tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, NHNN không những ngừng mua USD mà còn bán ròng ngoại tệ này, qua đó rút về lượng lớn tiền Đồng. Kết quả là một loạt lãi suất đầu vào của hệ thống ngân hàng tăng cao.