Hàng loạt ngân hàng đã nhanh chân điều chỉnh biểu lãi suất từ ngày 23/9. Ảnh: Chí Hùng. |
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/10, ông Đoàn Thái Sơn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm đến nay đã có 262 lượt điều chỉnh lãi suất của ngân hàng các nước trên thế giới. Tháng 9, sau khi Fed tăng tiếp 0,75% lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.
"Việc điều chỉnh này sẽ góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo lãi suất thực dương lãi suất tiền gửi và tạo điều kiện các ngân hàng duy trì, thu hút nguồn tiền gửi từ người dân, doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông thừa nhận thực tế chi phí đầu vào tăng lên, lãi suất cho vay ra cũng biến động. Theo đó, mặt bằng cho vay nhiều nhà băng cũng được điều chỉnh.
Về giải pháp bình ổn lãi suất cho vay trong năm, ông cho biết Ngân hàng Nhà nước khi điều chỉnh lãi suất điều hành đã tính đến mục tiêu ổn định lãi suất cho vay. Vì thế trần lãi suất cho vay được giữ nguyên, Ngân hàng Nhà nước chỉ tăng trần lãi suất tiền gửi và lãi suất điều hành.
"Ngân hàng Nhà nước đã vận động các tổ chức tín dụng rà soát, giảm chi phí hoạt động, để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp", ông nói.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh ở các kỳ hạn dài. Ảnh: Chí Hùng. |
Tại họp báo, chia sẻ về việc GDP quý III tăng cao nhất cùng kỳ trong hàng chục năm qua và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 30/9 đạt 46,7% kế hoạch được giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%). Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân năm nay cao hơn cùng kỳ năm 2021 gần 35.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
"Với kết quả này cũng là nguyên nhân tác động đến sự tăng trưởng GDP quý III cũng như 9 tháng đầu năm. Kết quả tăng trưởng GDP là sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân... Xu thế kinh tế chung năm nay là sự phục hồi ngoài dự đoán của các tổ chức, chuyên gia", ông nói.
Thứ trưởng nhận định trong quý IV tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, diễn biến khó đoán định. Bộ có đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2022. Theo đó, kịch bản thứ nhất trong điều kiện quý IV còn nhiều khó khăn, GDP cả năm đạt khoảng 7-7,5%. Nhưng trong bối cảnh tình hình ổn định như hiện nay, Thứ trưởng dự kiến khả năng GDP cả năm đạt 8%.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023, ông dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức vì áp lực lạm phát lớn. Sức ép lạm phát và tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 khó đoán định, do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam.
"Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine kéo theo tình hình năng lượng gặp khó, việc này ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam thời gian qua như vấn đề điều hành giá xăng dầu. Đây được xem là nhân tố bất lợi đối với nền kinh tế trong năm 2023", ông nói.