Lạm phát tại Anh trong tháng 2 đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Bloomberg. |
Theo CNBC, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm % cơ bản trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với lạm phát cao và những lo ngại xoay quanh hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Chính sách tiền tệ Anh (MPC) đã ủng hộ việc tăng lãi suất ngân hàng lên mức 4,25%. Quyết định này được đưa ra sau khi lạm phát ở Anh trong tháng 2 đã bất ngờ tăng vọt lên 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo của mình, MPC nhấn mạnh rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng mạnh hơn dự kiến. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ bay hơi, vẫn tiếp tục tăng.
BoE ước tính rằng khoản hỗ trợ tài chính bổ sung trong kế hoạch Ngân sách mùa xuân của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt được công bố vào tuần trước sẽ đóng góp 0,3% vào mức tăng trưởng GDP của Anh trong những năm tới.
“GDP có thể không thay đổi vào đầu năm nhưng sẽ tăng nhẹ trong quý II, so với mức giảm 0,4% được dự đoán trong Báo cáo tháng 2”, MPC nhận định.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn cho biết chính sách Hỗ trợ giá năng lượng (EPG) sẽ duy trì ở mức 2.500 bảng Anh cho mỗi gia đình và được kéo dài trong 3 tháng nữa, kể từ tháng 4. Ngoài ra, thu nhập thực tế của các hộ gia đình có thể vẫn không thay đổi trong thời gian tới, thay vì giảm mạnh như dự đoán.
BoE nhấn mạnh rằng đà tăng của CPI lõi phần lớn đến từ biến động của giá quần áo và giày dép. Đồng bảng Anh đã tăng giá so với đồng USD ngay sau quyết định nâng lãi suất được đưa ra. Tuy nhiên, hiện mức chênh lệch chỉ còn khoảng 0,2%.
Về phía các ngân hàng trung ương tại những quốc gia khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất nước này lên lên mức 1,5%.
Tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cơ quan này đã tăng mạnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần trước trong bối cảnh ngành ngân hàng gặp nhiều biến cố.
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn tiếp tục theo dõi hậu quả từ sự sụp đổ của SVB và cuộc giải cứu khẩn cấp của Credit Suisse.
Nhiều nhà phân tích cho biết Ủy ban Chính sách Tài chính Anh (FPC) đã xác định rằng hệ thống ngân hàng tại quốc gia này “vẫn kiên cường” trước các biến động gần đây.
FPC đánh giá hệ thống ngân hàng của Anh vẫn “duy trì nguồn vốn dồi dào, khả năng thanh khoản cao và sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả giai đoạn lãi suất cao hơn”.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.