Theo AFP, vùng biển kín lớn nhất thế giới nằm giữa ranh giới châu Á và châu Âu đã bị 5 nước tranh giành sau khi Liên Xô tan rã làm thỏa thuận được ký kết trước đó giữa Moscow và Tehran mất hiệu lực.
Trong buổi lễ ký kết thỏa thuận mới, ông Nursultan Nazarbayev, tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan, khẳng định các lãnh đạo đã "tham gia vào một sự kiện lịch sử".
"Chúng ta có thể thừa nhận rằng sự thống nhất về tình trạng Biển Caspi không dễ đạt được và (các bên) không thể đồng lòng ngay lập tức. Những cuộc đối thoại về vấn đề này đã diễn ra hơn 20 năm qua và đòi hỏi nhiều nỗ lực chung giữa các bên", ông Nazarbayev nói.
Ngư dân kéo lưới tại Biển Caspi, vùng biển kín này nổi tiếng với loài cá tầm thường được đánh bắt để khai thác trứng. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng thỏa thuận cột mốc về tình trạng của Biển Caspi mở đầu một kỳ nguyên mới. Ông đồng thời kêu gọi 5 nước giáp vùng biển này tăng cường hợp tác quân sự. Theo AFP, Nga được cho là đóng vai trò thúc đẩy việc ký kết hiệp định trên.
Ông Nazarbayev cho biết hiệp định vừa được ký kết cho phép các nước xây dựng đường ống dưới lòng biển nhằm trao đổi dầu mỏ và khí đốt. 5 quốc gia cũng có thể chia vùng đánh bắt cá và cấm sự hiện diện quân sự của các nước khác.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đồng thời kêu gọi các nước đưa ra điều khoản ngăn chặn những quốc gia không giáp Biển Caspi triển khai quân sự tại vùng nước này.
Vùng biển kín nằm giữa Nga, Kazakhstan, Iran, Azerbaijan và Turkmenistan dồi dào tài nguyên thiên nhiên. Đồ họa: AFP. |
"Biển Caspi chỉ thuộc về các nước Caspi", ông nói.
Đồng tình với đề xuất trên, Tổng thống Putin khẳng định điều khoản này sẽ góp phần "duy trì trạng thái hòa bình của vùng Biển Caspi".
Với việc ký kết thỏa thuận cột mốc về tình trạng của Biển Caspi, Nga, Kazakhstan, Iran, Azerbaijan và Turkmenistan chính thức phân định ranh giới quốc gia tại vùng biển kín này, nơi ẩn chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên ước tính gồm 50 tỷ thùng dầu mỏ và 8,4 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên.
Iran với "phần" được chia nhỏ nhất dưới các điều lệ của thỏa thuận trên bị xem là "kẻ thua cuộc". Tổng thống Rouhani nhiều lần nhấn mạnh ranh giới của các nước trên Biển Caspi cần được xem xét lại.