Máy bay chiến đấu ném bom hàng hải chiến lược, phiên bản nâng cấp Tu-22M3M dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ ngày 16/8, tạp chí Diplomat cho biết. Phiên bản nâng cấp mang theo một trong những vũ khí đáng sợ nhất đối với các tàu sân bay Mỹ. Đó là tên lửa hành trình Kh-32.
Kh-32 là phiên bản nâng cấp từ tên lửa hành trình không đối đất Kh-22, vũ khí gắn liền với tên tuổi của máy bay ném bom hàng hải Tu-22 trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tên lửa do Phòng thiết kế Raduga phát triển.
Nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga xác nhận quá trình thử nghiệm tên lửa Kh-32 đang ở vào giai đoạn cuối và tên lửa đã sẵn sàng đưa vào hoạt động. Tổng công ty Tên lửa chiến thuật, công ty mẹ của Raduga, từ chối bình luận về tình trạng của tên lửa.
Dmitry Kornev, chuyên gia quân sự Nga, cho biết Kh-32 được thiết kế để tấn công các mục tiêu như tàu chiến, căn cứ quân sự, kho tàng, bến bãi trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Nó được chế tạo để trở thành vũ khí tiêu chuẩn cho máy bay chiến đấu Tu-22M3M.
Máy bay ném bom hàng hải Tu-22M3M với 2 tên lửa Kh-32 trong một thử nghiệm. Ảnh: Russian Plane. |
Sau khi tên lửa được phóng đi từ máy bay, nó leo lên độ cao quỹ đạo tới 40 km, đây là độ cao vượt ngoài khả năng đánh chặn của phần lớn hệ thống phòng không trên thế giới. Khi đến gần khu vực mục tiêu, Kh-32 lao xuống theo kiểu bổ nhào với tốc độ lên đến hơn 5.000 km/h.
Sự kết hợp giữa quỹ đạo bay độc đáo, cùng tốc độ bổ nhào siêu nhanh khiến nó trở nên gần như bất khả xâm phạm đối với các hệ thống phòng không trên tàu chiến, mặt đất. Kh-32 được dẫn hướng kết hợp quán tính, định vị toàn cầu GLONASS và radar chủ động giai đoạn cuối. Tầm bắn khoảng hơn 1.000 km.
Theo hãng tin TASS, Hải quân Nga đang vận hành khoảng 10 trung đoàn Tu-22M3. Mỗi trung đoàn có biên chế khoảng 20 chiếc Tu-22M3M. Mỗi máy bay Tu-22M3M có thể mang theo 3 tên lửa Kh-32. Nếu 20 chiếc Tu-22M3M cất cánh cùng lúc, số lượng tên lửa Kh-32 mang theo có thể dao động từ 40-60 tên lửa.
Tu-22M3 với tên lửa Kh-32 dưới bụng. Ảnh: Lusika33. |
Theo nhà sử học hải quân Dmitry Boltenkov, mục tiêu chính của Tu-22M3M là các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Về mặt lý thuyết, cuộc tấn công đồng loạt được thực hiện bởi một trung đoàn Tu-22M3M, với số lượng từ 40-60 tên lửa Kh-32 có thể loại khỏi vòng chiến đấu một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Bên cạnh vũ khí mới, phiên bản nâng cấp Tu-22M3M được trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn, hệ thống điện tử tối tân, radar mới tinh vi hơn và buồng lái cải tiến. Những cải tiến mới còn cho phép Tu-22M3M sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.
Tên lửa này có tầm bắn tới hơn 2.000 km, tốc độ lên đến Mach 10 (khoảng 13.348 km/h). Đây là vũ khí khác có thể đe dọa sự an toàn của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Những vũ khí mà Tu-22M3M mang theo đều có thể tấn công từ ngoài phạm vi hoạt động của tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, át chủ bài trong sức mạnh tấn công và phòng thủ từ xa của Hải quân Mỹ.