Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), ngày 18/6 đã công bố ảnh chụp vệ tinh về quá trình cải tạo kho chứa vũ khí của Nga ở Kaliningrad. Việc nâng cấp kho chứa vũ khí sát biên giới NATO diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo CNN, FAS bắt đầu theo dõi khu vực này từ năm 2016, khi hoạt động xây dựng quy mô lớn diễn ra tại đây. FAS cho biết một trong 3 hầm chứa vũ khí ở Kaliningrad đã được đào lên và mở rộng so với trước, rồi được che phủ trở lại trong những tháng gần đây. FAS nhận định cơ sở này sắp được đưa vào hoạt động trở lại.
Hans M. Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại FAS, cho biết chưa thể xác nhận cơ sở này có chứa vũ khí hạt nhân hay không nhưng tính năng của nó có thể sử dụng cho mục đích này. “Tính năng của cơ sở cho thấy nó có khả năng dùng cho lực lượng không quân hoặc hải quân. Nhưng nó cũng có thể là một địa điểm chung, nơi lưu trữ đầu đạn hạt nhân cho không quân và hải quân”, ông Kristensen nói.
Ảnh vệ tinh về quá trình cải tạo cơ sở chứa vũ khí ở Kaliningrad. Ảnh: FAS. |
Ông Kristensen cho biết thêm rằng Moscow thường lưu trữ vũ khí hạt nhân ở các kho chứa nằm trong lục địa Nga. Cơ sở tại Kaliningrad có thể được phục vụ như một kho chứa tiền tiêu trong trường hợp khủng hoảng xảy ra.
Kaliningrad có vị trí địa lý rất đặc biệt. Đây là đơn vị hành chính nằm tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của lãnh thổ Nga và là nơi Nga khẳng định chủ quyền ở biển Baltic. Một số trận đấu World Cup được tổ chức tại đây. Điện Kremlin không bình luận về thông tin hiện đại hóa kho vũ khí nhưng khẳng định quyền được sử dụng chúng ở khu vực này.
Vị trí của Kalingrad trên bản đồ. Ảnh: Google Map. |
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây bùng phát sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Trong tháng 2, quan chức Mỹ và châu Âu bày tỏ sự lo ngại về việc quân sự hóa của Nga ở khu vực Baltic, sau khi Moscow triển khai tên lửa Iskander đến Kaliningrad.
Một quan chức quốc phòng Mỹ ở châu Âu nói rằng vị trí của tên lửa vào thời điểm đó là “động thái nguy hiểm nhất mà chúng ta từng thấy”. Một tháng sau, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ loại tên lửa “bất khả chiến bại” mà ông mô tả sẽ làm cho hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO trở nên vô dụng.
Người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng kho vũ khí mới của Moscow được phát triển để đáp ứng các động thái của Washington.