Dàn hỏa lực diệt tàu ngầm trên chiến hạm Nga đang thăm Việt Nam
Thứ ba, 5/6/2018 12:49 (GMT+7)
12:49 5/6/2018
Tàu khu trục chống ngầm lớp Udaloy được trang bị dàn hỏa lực cực mạnh với tên lửa và ngư lôi chuyên dùng cho nhiệm vụ săn lùng, tiêu diệt tàu ngầm đối phương.
Theo TTXVN, đoàn tàu chiến Nga gồm 2 tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov, cùng một tàu tiếp tế đang có chuyến thăm hữu nghị đến cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, từ ngày 3-6/6. Trong ảnh, tàu khu trục Đô đốc Vinogradov trên Vịnh Aden vào năm 2009. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Hai tàu khu trục chống ngầm đang thăm Việt Nam thuộc lớp Udaloy, loại tàu chiến được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Udaloy là một sản phẩm điển hình thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô
. Tàu khu trục Đô đốc Tributs tại cảng Vladivostok năm 2013. Ảnh: Wikipedia.
Những năm 1970, các kỹ sư Liên Xô nhận thấy phát triển tàu chiến đa nhiệm quá tốn kém. Họ đề xuất phát triển loại tàu chiến chuyên dụng. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đề án 956 (lớp Sovremenny) chuyên dùng cho chống tàu mặt nước và Đề án 1155 (Udaloy) chuyên dùng cho chống ngầm. Tàu khu trục Đô đốc Tributs trong một nhiệm vụ trên biển vào năm 2009. Ảnh: Flickr.
Các kỹ sư trang bị cho Udaloy dàn hỏa lực cực mạnh với 2 cụm phóng, mỗi cụm chứa 4 tên lửa chống ngầm Metel (SS-N-14 Silex). Tên lửa mang theo đầu đạn là một quả ngư lôi, khi phóng đến khu vực khả nghi, ngư lôi sẽ tách khỏi tên lửa và rơi xuống biển để tìm kiếm và diệt tàu ngầm. Cận cảnh dàn phóng tên lửa SS-N-14 trên tàu khu trục Tributs tại cảng Manila, Philippines vào năm 2017. Ảnh: Flickr.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi hạng nặng 533 mm với 4 ngư lôi/cụm. Hệ thống sử dụng ngư lôi RPK-2 Vyuga với tầm bắn từ 30-45 km. Các thủy thủ trên tàu Tributs đang thực hiện nhiệm vụ trên biển vào năm 2010. Ảnh: Flickr.
Hai cụm phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Mỗi cụm chứa 12 rocket 90R 212 mm, tầm bắn dao động từ 600-4.300 m. Nó có thể diệt tàu ngầm ở độ sâu tối đa 1.000 m. Cận cảnh dàn phóng rocket RBU-6000 trên tàu Đô đốc Tributs vào năm 2010. Ảnh: Flickr.
Tàu được vũ trang 2 pháo hạm 100 mm để chống tàu mặt nước và 4 hệ thống phòng thủ tầm cực gần AK-630. Một cụm phóng chứa 64 tên lửa phòng không tầm thấp SA-N-9 Gauntlet. Trong ảnh, pháo hạm 100 mm trên tàu Đô đốc Tributs tại Manila, Philippines năm 2017. Ảnh: Wikipedia.
Tàu khu trục Đô đốc Chabanenko không có 2 pháo hạm 100 mm, mà được trang bị 1 pháo hạm 130 mm nòng kép. Nó được chỉ định là lớp Udaloy II. Trong ảnh, tàu khu trục Đô đốc Chabanenko rời cảng Norfolk, Virginia, Mỹ vào năm 2011. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng chống ngầm Ka-27. Trực thăng sẽ hỗ trợ trong việc tìm kiếm các mục tiêu dưới mặt nước vượt ra ngoài phạm vi cảm biến trên tàu. Các thủy thủ đang bảo dưỡng cho trực thăng Ka-27 trên tàu Đô đốc Tributs trong một nhiệm vụ vào năm 2010. Ảnh: Flickr.
Udaloy có chiều dài 163 m, rộng 19,3 m, mớn nước 6,2 m, lượng choán nước toàn tải 7.500 tấn. Tàu được trang bị 2 động cơ tuabin khí, công suất 120.000 mã lực, tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động hơn 19.000 km. Một trực thăng của Hải quân Mỹ bay gần tàu Đô đốc Tributs vào năm 2010. Ảnh: Flickr.
Tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov tiến vào Trân Châu Cảng năm 2003. Hải quân Nga đang vận hành 9 tàu khu trục chống ngầm lớp Udaloy, một tàu khác đang nâng cấp dự định đưa vào hoạt động trở lại từ năm 2019. Được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh, Udaloy vẫn là chiến hạm đáng gờm, đặc biệt là về khả năng chống ngầm. Ảnh: Wikipedia.
Tàu ngầm là loại tàu đặc biệt hoạt động dưới nước. Nhiều quốc gia có lực lượng hải quân sử dụng tàu ngầm cho mục đích quân sự. Tàu ngầm cũng được sử dụng cho vận chuyển hàng hải và nghiên cứu khoa học ở đại dương cũng như ở vùng nước ngọt, giúp đạt tới độ sâu vượt quá khả năng lặn của con người. Tàu ngầm được phát triển nhanh từ khoảng thế kỷ 19, đặc biệt là qua Thế chiến I và Thế chiến II. Chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới do nhà vật lý người Hà Lan Cornelius Van Drebbel chế tạo vào thế kỷ 17.
Bạn có biết: Mỹ và Triều Tiên là hai quốc gia sở hữu nhiều tàu ngầm nhất thế giới.
Người sáng chế: Cornelius Van Drebbel
Thời gian: 1620
Nguyên lý hoạt động: Dựa vào Định luật Archimedes và Định luật Pascal
Lực lượng tàu ngầm Nga đang gia tăng hoạt động với tần suất chưa từng có kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Điều này khiến giới quân sự NATO đặc biệt lo lắng.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sẽ được đưa vào nhà máy để sửa chữa trong thời gian 3 năm, một nỗ lực nhằm duy trì hoạt động hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga.