Business Insider cho biết hoạt động dưới nước của Hải quân Nga ở Bắc Đại Tây Dương đạt đến cấp độ mới chưa từng có trong nhiều năm. Các quan chức NATO lo ngại lực lượng tàu ngầm Nga có thể tìm cách tiếp cận hệ thống cáp ngầm kết nối Bắc Mỹ và châu Âu.
Andrew Lennon, chỉ huy lực lượng tàu ngầm NATO, nói với Washington Post: “Chúng tôi đang theo dõi hoạt động của tàu ngầm Nga gần hệ thống cáp ngầm dưới biển. Rõ ràng, Nga quan tâm đến cơ sở hạ tầng dưới đáy biển của NATO”.
Hệ thống cáp ngầm đang đảm nhận 95% truyền thông và hơn 10.000 tỷ USD giao dịch hàng ngày trên toàn thế giới. Quan chức hải quân NATO cho rằng tàu ngầm Nga có thể tiếp cận và chặn thông tin nhạy cảm truyền qua hệ thống cáp ngầm.
Stuart Peach, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Anh, cũng lên tiếng cảnh báo về sự tập trung của tàu ngầm Nga vào mạng lưới cáp ngầm: “Có nguy cơ đối với cuộc sống của chúng ta, đó là tính dễ bị tổn thương của hệ thống cáp vượt biển”, Tư lệnh Peach nói trong một sự kiện vào đầu tháng 12.
Krasnodar, lớp Kilo, một trong những tàu ngầm điện-diesel tinh vi nhất của Nga. Ảnh: Business Insider. |
Cảnh báo của Lennon và Peach là những thông tin mới nhất về hoạt động dưới nước của Hải quân Nga trong những năm trở lại đây. Cuối năm 2015, New York Times báo cáo rằng hoạt động của tàu ngầm Nga gần các tuyến cáp ngầm gây quan ngại cho giới chức quân sự Mỹ. Washington lo ngại Moscow có thể tấn công hệ thống cáp ngầm trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các quan chức Mỹ cho biết họ ghi nhận hoạt động của tàu ngầm Nga dọc theo tuyến cáp ngầm Biển Bắc, Đông Bắc Á và dọc theo bờ biển Mỹ. Một số tuyến cáp ngầm dân sự được rải ở những vị trí quen thuộc.
Các tuyến cáp phục vụ cho mục đích quân sự được triển khai ở những địa điểm bí mật và Nga có thể đang tìm cách thăm dò. Tướng Lennon từ chối cho biết chi tiết vụ việc nhưng nhiều người tin rằng tàu ngầm Nga có thể đã tiếp cận vào các tuyến cáp ngầm.
Tàu ngầm Nga ngày càng tinh vi
Gia tăng hoạt động tàu ngầm chỉ là một phần trong kế hoạch hồi sinh sức mạnh quốc phòng của Nga. Năm 2017, quân đội Nga tăng cường hoạt động với tần suất chưa từng có trong nhiều năm. Đặc biệt là cuộc tập trận quy mô lớn Zapad 2017 khiến các nước NATO lo lắng.
Bên cạnh các cuộc tập trận quy mô lớn, quân đội Nga, đặc biệt là hải quân đã đưa vào hoạt động nhiều tàu chiến hiện đại. Từ năm 2014 đến nay, Hải quân Nga đã bổ sung vào hạm đội 13 tàu ngầm mới, trong đó một số đóng mới, số khác sửa chữa, nâng cấp từ tàu cũ.
NATO đang tăng cường lực lượng và các cuộc tập trận chống ngầm để tìm cách đối phó tàu ngầm Nga. Ảnh: Reuters. |
Trong số đó, Hải quân Nga giới thiệu tàu ngầm Krasnodar, lớp Kilo cải tiến có thể qua mặt những hệ thống trinh sát tiên tiến của NATO. Tàu ngầm Krasnodar đã cho thấy khả năng tàng hình ưu việt của nó khi đi qua tàu sân bay USS George HW Bush của Mỹ mà không bị phát hiện.
Tàu ngầm Krasnodar đã dừng lại ở Địa Trung Hải để phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu của IS ở Syria. Theo Washington Post, Hải quân Nga hiện có 60 tàu ngầm lớn nhỏ, trong khi Mỹ có khoảng 66 tàu ngầm hạt nhân.
Các tàu ngầm Nga ngày càng trở nên tinh vi do đó NATO cần nhiều nguồn lực hơn để theo dõi chúng. Trong khi đó, số lượng các tàu chiến chuyên về tác chiến chống ngầm của NATO đã giảm mạnh từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Những năm 1990, NATO có đến 100 tàu chiến chống ngầm, tuy nhiên hiện tại chỉ còn 50 tàu.
Hải quân Mỹ đang vội vã nâng cấp lực lượng tác chiến chống ngầm để đáp ứng thách thức mới. Mỹ đã triển khai trở lại máy bay tác chiến chống ngầm ở Iceland sau khi rút khỏi đây vào năm 2006. Một số quốc gia NATO đã thống nhất thỏa thuận về việc hợp tác phát triển máy bay chống ngầm mới.
Ngoài ra, NATO đã lên kế hoạch thành lập lực lượng giám sát và bảo vệ các tuyến vận tải biển xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu. Kết hợp Bộ Tư lệnh Bắc Đại Tây Dương với Bộ Tư lệnh Hạm đội Mỹ tại Virginia để tăng cường hoạt động chung.