Hãng tin TASS cho biết quá trình sửa chữa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sẽ diễn ra tại nhà máy số 35 ở thành phố Murmansk, phía tây bắc Nga. Quá trình sửa chữa cần ít nhất 3 năm để hoàn thành. Vấn đề lớn nhất đối với tàu sân bay Kuznetsov là hệ thống động lực và cáp hãm đà cho máy bay hạ cánh.
“Vấn đề chính của con tàu là động cơ rất khó vận hành. Nó không đáng tin cậy”, Dmitry Gorenburg, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, nói với Business Insider. Hệ thống động lực chính của tàu là 8 nồi hơi, vốn là nguồn gốc gây ra nhiều vấn đề sẽ được thay thế sau khi hoàn thành quá trình sửa chữa.
Neo ở cảng nhiều hơn triển khai
Ngay khi được đưa vào sử dụng từ những năm 1990, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật, phần lớn do hệ thống động cơ gây ra. Mỗi lần triển khai làm nhiệm vụ trên biển, luôn có một tàu kéo đi cùng phòng trường hợp hệ thống nồi hơi ngưng hoạt động. Nhiều lần người ta thấy cảnh tàu sân bay duy nhất của Nga được kéo về cảng chứ không thể di chuyển bằng động cơ của chính nó.
Cột khói đen ngòm đã trở thành một "đặc trưng" của tàu sân bay Kuznetsov. Ảnh: Sputnik. |
Trong gần 30 năm phục vụ, Đô đốc Kuznetsov chỉ có một lần triển khai chiến đấu tại Syria vào năm 2016. Trên đường đến Địa Trung Hải, con tàu xả những cột khói đen ngòm, bao phủ một vùng rộng lớn khi tàu đi qua eo biển Anh.
Hải quân Nga tuyên bố tàu sân bay Kuznetsov đã tiến hành 420 phi vụ, gồm 117 phi vụ vào ban đêm, phá hủy hơn 1.000 điểm đóng quân của khủng bố. Tuy nhiên, sứ mệnh chiến đấu hiếm hoi của Kuznetsov đi cùng với thiệt hại khá nặng. Một tiêm kích trên hạm MiG-29K và một Su-33 rơi xuống biển khi hạ cánh do đứt cáp hãm đà.
Vấn đề cáp hãm đà được cho là tồi tệ đến mức các máy bay trên Kuznetsov phải chuyển đến căn cứ không quân Nga ở Tartus, Syria để tiếp tục nhiệm vụ không kích chống khủng bố.
Tàu sân bay không phải là ưu tiên
Những vấn đề kỹ thuật của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dường như phản ánh kinh nghiệm lịch sử và cách nhìn nhận của Nga về vai trò của tàu sân bay. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ và các đồng minh tiếp tục hiện đại hóa và đóng mới các tàu sân bay tiên tiến. Liên Xô cho rằng tàu sân bay là “công cụ của chủ nghĩa đế quốc” và chọn tập trung vào phát triển tàu ngầm.
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh phát triển và giá trị của các tàu sân bay trở nên rõ ràng hơn, Liên Xô mới quyết định tham gia vào cuộc đua. Moscow chế tạo tàu sân bay với nhiệm vụ tập trung vào bảo vệ lãnh thổ Liên Xô, hơn là hỗ trợ cho các hoạt động chiến tranh ở nước ngoài.
Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất trên thế giới được trang bị tên lửa chống hạm. Ảnh: The Drive. |
Tàu sân bay đầu tiên Moskva được đóng vào cuối những năm 1960 chỉ có thể mang theo trực thăng. Vũ khí chính của tàu đến từ tên lửa và ngư lôi, một thiết kế vốn phù hợp cho vai trò tác chiến chống ngầm. Thiết kế tiếp theo là tàu sân bay hạng nhẹ lớp Kiev, một sự kết hợp giữa tuần dương hạm mang tên lửa và tàu sân bay. Điều này lý giải lý do chúng được gọi là “tuần dương hạm hạng nặng”.
Tàu sân bay lớp Kiev được trang bị 8 tên lửa chống hạm tầm xa và 72 tên lửa hải đối không. Kiev có thể mang theo 12 máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Yak-38 và 16 trực thăng. Tuy nhiên, tiêm kích trên hạm Yak-38 gặp khá nhiều lỗi kỹ thuật nên không được đánh giá cao trong chiến đấu.
Kuznetsov là nỗ lực đầu tiên của Liên Xô trong việc xây dựng một tàu sân bay đúng nghĩa. Ngoài các máy bay, con tàu còn được trang bị 12 tên lửa chống hạm tầm xa P-700 nằm trong các silo gần phía trước mũi tàu. Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất trên thế giới được trang bị tên lửa chống hạm. Ngoài ra, tàu còn mang theo 200 tên lửa phòng không, 8 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kashtan.
So với các tàu sân bay của Mỹ, Đô đốc Kuznetsov được vũ trang như một chiến hạm, có khả năng tác chiến độc lập mà không cần tàu hộ tống. Sau khi Liên Xô tan rã, tham vọng tàu sân bay của Nga bị đình chỉ đột ngột do khó khăn kinh tế. Con tàu thứ 2 là Varyag thuộc quyền sở hữu của Ukraine và sau đó bán lại cho Trung Quốc.
Hải quân Nga tập trung vào phát triển các tàu chiến nhỏ để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn về bảo vệ bờ biển. Nga từng công bố ý định đóng mới siêu tàu sân bay năng lượng hạt nhân nhưng tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.