Hải quân Nga đang triển khai hoạt động hơn 10 tàu chiến tại quân cảng Tartus, Syria, gồm 2 tàu ngầm tấn công phi hạt nhân lớp Kilo, một tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Grigorovich, cùng một số tàu đổ bộ và tàu hậu cần.
Ảnh vệ tinh do ISI chụp cảng Tartus vào ngày 11/4 cho thấy phần lớn tàu chiến của Nga đã rời cảng, chỉ còn một tàu ngầm lớp Kilo neo tại đây. Sputnik cho biết Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về ảnh vệ tinh của ISI, cũng như hoạt động của tàu chiến Nga tại Syria.
Chiến thuật của Nga?
Việc tàu chiến Nga rời cảng Tartus đúng vào thời điểm nhạy cảm dẫn đến nhiều đồn đoán. Một số nguồn tin cho rằng Moscow điều tàu chiến ra biển để tránh thiệt hại trong trường hợp Mỹ không kích Syria. Một số ý kiến khác cho rằng tàu chiến Nga tiến ra biển áp sát chiến hạm Mỹ để đáp trả nếu cần thiết.
Ryan Bohl, một nhà phân tích chính trị Trung Đông, thuộc Công ty Tư vấn Chính trị Stratfor nói với Business Insider rằng việc Nga di chuyển tàu chiến khỏi Tartus là “một mũi tên trúng 2 đích”.
Phần lớn tàu chiến Nga ở cảng Tartus đã tiến ra biển. Ảnh minh họa: Sputnik. |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Nga nên chuẩn bị đối phó với tên lửa của Mỹ sắp bắn đến Syria. Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ bắn hạ không chỉ tên lửa bay đến mà còn nơi tên lửa phóng đi cũng sẽ bị tấn công.
“Nga và Mỹ đều không muốn tạo ra Thế chiến III, họ biết cách để tránh nó và dùng truyền thông để gây sức ép lẫn nhau”, ông Bohl nói. Chuyên gia phân tích chính trị này cho rằng việc điều tàu chiến ra biển nhằm gây áp lực lên quyết định tấn công của Mỹ, rằng tuyên bố tấn công vào nơi tên lửa phóng đi không chỉ là nói suông.
Các tàu chiến của Nga đang hoạt động ở Địa Trung Hải đều được trang bị tên lửa chống hạm hiện đại, có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với tàu chiến Mỹ. Trong đó, tàu ngầm tấn công phi hạt nhân lớp Kilo có khả năng hoạt động rất êm dưới nước. Nó có thể phóng tên lửa hành trình Kalibr tầm bắn hơn 1.500 km, tên lửa chống hạm và ngư lôi.
Dmitry Gorenburg, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Davis về nghiên cứu Nga và Âu Á, thuộc Đại học Harvard, nói với Business Insider rằng Nga đã điều động máy bay chuyên về tác chiến chống ngầm đến Syria. Máy bay này có thể dùng để săn tìm các tàu ngầm Mỹ hoạt động ở Địa Trung Hải.
Năm 2017, phòng không Nga đã im lặng khi Mỹ tên lửa Tomahawk bay vòng qua 70 km từ căn cứ hải quân Tartus để không kích sân bay al-Shayrat. Tuy nhiên, năm nay, Moscow cho thấy họ sẽ không để mặc cho Mỹ bắn tên lửa vào Syria một cách dễ dàng như trước.
Di chuyển tàu chiến cũng có thể là một cách để chuẩn bị đối phó với tên lửa Mỹ. Trên mặt đất, S-400, S-300V4 và Pantsir-S1 dường như đã sẵn sàng để bắn hạ tên lửa Mỹ.
Mỹ còn chiêu nào khác ngoài không kích?
Không lâu sau khi tàu chiến Nga rời cảng Tartus, Sputnik dẫn nguồn tin giới quân sự Nga cho biết họ phát hiện dấu vết nhiều máy bay Mỹ đang do thám ở khu vực phía đông Địa Trung Hải, gần bờ biển Syria. Đây là khu vực có căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân tại cảng Tartus của Nga.
CNBC News dẫn nguồn tin giấu tên cho biết tình báo Mỹ đang theo dõi 8 mục tiêu quan trọng ở Syria, gồm 2 sân bay, một cơ sở nghiên cứu vũ khí và một cơ sở được cho là nơi sản xuất vũ khí hóa học.
Những cuộc không kích nhỏ lẻ bằng tên lửa Tomahawk không làm thay đổi tình hình tại Syria. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Mỹ sẽ làm gì với những mục tiêu này vẫn còn là ẩn số, tuy nhiên, một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa hành trình của Mỹ có còn hiệu quả. Tháng 4/2017, Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào sân bay al-Shayrat gần thành phố Homs, Syria, sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib.
Tuy nhiên, tình hình tại Syria vẫn không hề thay đổi, ít nhất theo cách mà Mỹ muốn. Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria với sự trợ giúp của Nga ngày càng trở nên vững mạnh. Nếu Mỹ tiếp tục không kích vào các cơ sở quân sự của Syria như trước đây, tình hình có thể sẽ không được cải thiện.
Những cơ sở quan trọng của Syria nằm trong sự bảo trợ của Không quân Nga, tấn công những cơ sở này có thể gây thiệt hại cho tài sản và con người của Nga. Điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực diện với Moscow.
Thời hạn 48 tiếng mà Tổng thống Trump đưa ra đã hết, không có cuộc không kích nào được tiến hành. Chính bản thân ông Trump cũng rút lại lời đe dọa tấn công. Điều đó cho thấy Washington vẫn mâu thuẫn và chưa thống nhất về một giải pháp quân sự đối với Syria.
Justin Bronk, chuyên gia không quân tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh nói với Business Insider rằng nếu muốn đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sức mạnh quân đội Syria, Mỹ phải tiến hành chiến dịch không kích trên quy mô lớn. Để làm được điều này, Mỹ phải cân nhắc mối nguy hiểm đối với Nga. “Quy mô của cuộc tấn công tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro”, ông Bronk nói.