Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa có chuyến công tác 2 ngày tại Trung Quốc. Trong dịp này, ông đã dự hội nghị về xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), gặp gỡ và trao đổi với các lãnh đạo Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Vương Nghị...
Ngoại trưởng Nga hội đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc ngày 28/4. Ảnh: Xinhua |
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moscow đang chuẩn bị những đề xuất nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực lớn, bao gồm kinh tế và chính trị. Hai bên dự kiến sẽ ký kết nhiều thỏa thuận mới khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc vào tháng 6.
Ngoài các hợp tác chính trị, những dự án đầu tư của Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga đang trong thời kỳ khó khăn, dưới các sức ép từ cấm vận của phương Tây, những hoạt động quân sự tốn kém ở Syria, và giá dầu thế giới biến động.
Trong khi đó, những hợp đồng vũ khí với Nga giúp Trung Quốc nâng cao năng lực quốc phòng.
Trung Quốc lôi kéo Nga trong tranh chấp Biển Đông
Thời gian gần đây, Nga đã công khai bày tỏ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Khi phát biểu tại CICA ngày 28/4, ông Tập Cận Bình nêu rõ quan điểm của Trung Quốc là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan, không phải việc của nước bên ngoài.
Ngoại trưởng Nga từng tỏ ý ủng hộ cách tiếp cận này, khi phản đối sự can dự của "bên thứ 3" vào tranh chấp.
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị ngày 19/4, ông Lavrov nhấn mạnh rằng Moscow phản đối "mọi nỗ lực nhằm quốc tế hóa những tranh chấp này".
Phát biểu của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc thẳng thắn đề nghị Bắc Kinh và Moscow phải hợp lực để phản đối “chủ trương quốc tế hóa tranh chấp”, kêu gọi Nga ủng hộ nước này trong việc việc phản đối phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ kiện của Philippines.
Giáo sư Li Xing (Đại học Sư phạm Bắc Kinh) nhận định Trung Quốc "gần như đơn độc" trong vụ kiện của Philippines. "Là những đối tác chiến lược, Nga và Trung Quốc coi trọng lợi ích cốt lõi của nhau, đồng thời phối hợp với nhau".
Chuyên gia Anton Tsvetov (Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, RIAC ở Moscow) nói một trong những lý do Nga phản đối "quốc tế hóa" là vì điều này phù hợp với triết lý về chính sách đối ngoại đương đại của Nga.
Moscow đã nhiều lần chỉ trích các nước và tổ chức, bao gồm Mỹ, NATO và EU, vì can thiệp vào nội bộ những quốc gia khác, cụ thể ở vùng Đông Âu, Balkan... Các nghị sĩ Nga tin rằng, quốc tế hóa chính là bước đầu tiên để can thiệp.
Bên cạnh vấn đề Biển Đông, Nga và Trung Quốc cũng thúc giục nối lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
"Những kinh nghiệm quá khứ cho thấy cần phải ngăn chặn diễn biến nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên, để trở lại những cuộc hội đàm nhằm tìm ra giải pháp để bảo đảm phi hạt nhân hóa, an ninh cho các nước ở Đông Bắc Á", Ngoại trưởng Sergey phát biểu tại CICA.
Nga - Trung tăng cường tập trận đối phó Mỹ
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Trung Quốc đã thống nhất nước này sẽ tăng cường tập trận và các hợp tác an ninh, quốc phòng khác. "Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận chung hơn năm ngoái", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo ngày 27/4.
Ông Shoigu cho biết, những cuộc tập trận sẽ diễn ra trên cả đất liền và trên biển. Bộ trưởng Nga khẳng định, việc làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Bắc Kinh sẽ giúp "bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Âu - Á".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói nước này sẵn sàng "hợp tác với Nga trong những vấn đề nóng bỏng của khu vực và quốc tế", theo South China Morning Post.
Trung Quốc và Nga đã tăng cường tập trận trong những năm qua. South China Morning Post nhận định, mối quan hệ quốc phòng thắt chặt này nhằm đối phó với việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.