Trong 17 năm qua, hơn 500 trường hợp sao chép trái phép vũ khí và công nghệ quân sự của Nga đã bị vạch trần, TASS dẫn lời Giám đốc dự án sở hữu trí tuệ của Tập đoàn Rostech Yevgeny Livadny, cho biết.
“Việc sao chép trái phép trang thiết bị của chúng tôi ra nước ngoài là vấn đề nghiêm trọng. Đã có 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Chỉ riêng Trung Quốc đã sao chép động cơ máy bay, máy bay Sukhoi, máy bay phản lực, hệ thống phòng không, tên lửa phòng không vác vai và hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung tương tự Pantsir”, ông Livadny cho biết.
Tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay Shenyang J-15 của Trung Quốc - bản sao trái phép của Su-33 Nga. Ảnh: topwar.ru. |
Theo ông Livadny, các trường hợp sao chép như vậy được xác định bởi các chuyên gia Nga làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, về mặt pháp lý, Nga không thể làm gì được vì các bằng sáng chế vũ khí và thiết bị Nga không được đăng ký ở nước ngoài.
“Các công ty nước ngoài như Raytheon (tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ) và BAE Systems (tập đoàn sản xuất vũ khí lớn hàng đầu thế giới của Anh) có tới 5.000 bằng sáng chế ở nước ngoài. Họ để lộ tài sản trí tuệ của họ vì không thấy bất cứ rủi ro nào. Trong khi đó, cả Bộ Quốc phòng lẫn các doanh nghiệp công nghiệp – quốc phòng Nga đều không đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài”, ông Livadny nói thêm.
Vào tháng 10, Rosoboronexport (thành viên Tập đoàn Nhà nước Nga Rostec) đã tuyên bố thành lập hội đồng tư vấn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự với các quốc gia khác. Nhóm này phối hợp với các quan chức của Bộ Quốc phòng Nga và Cơ quan Liên bang về hợp tác Kỹ thuật quân sự Nga, Rostech và Rosatom.