Các mục tiêu bị tấn công giả định bao gồm thủ đô Moscow và thành phố Saint Petersburg, được thực hiện trong các chuyến bay huấn luyện vào ngày 28/3.
Theo Defence Blog, một "bằng chứng" về các vụ tấn công giả định là chuyến bay huấn luyện của máy bay ném bom B-52H Mỹ với máy bay chiến đấu F-16 của Na Uy trên vùng biển Na Uy. Đây là cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình mô phỏng bên ngoài khu vực kiểm soát của radar phòng không, cũng như bên ngoài "địa bàn" tấn công của máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31.
Mẫu máy bay ném bom B-52 phiên bản H có thể mang theo tới 20 tên lửa hành trình phóng từ trên không như AGM-158A/B, JASSM/-ER và AGM-86С, D.
Tuy B-52 không thể xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương nhưng các tên lửa hành trình mô phỏng với tầm bắn xa có thể xâm nhập hệ thống phòng không công nghệ cao tân tiến nhất.
Các máy bay ném bom B-52 Mỹ diễn tập trên biển Na Uy ngày 28/3. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Giới chức Nga gồm cả Bộ Quốc phòng đã bày tỏ lo ngại về các chuyến bay B-52 gần biên giới nước này trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện chưa bên nào đưa ra phát ngôn chính thức về thông tin của Defence Blog.
Vào tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này có nhiều lựa chọn "cả thông thường lẫn lựa chọn khác" để đối phó với những gì mà họ cho là “sự vi phạm của Nga đối với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)”.
Ông Stoltenberg không "điểm mặt chỉ tên" cụ thể máy bay ném bom B-52 của Mỹ nhưng đã ngầm ám chỉ rằng vũ khí hạt nhân của NATO có thể vươn tới sát biên giới Nga.
Phạm vi tấn công của tên lửa trang bị cho các máy bay B-52H trên vùng trời biển Na Uy. Ảnh: Defence Blog. |
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc từng tuyên bố rằng quá trình huấn luyện với các đồng minh NATO như Na Uy giúp nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh.
Hơn nữa, chuyến bay huấn luyện cũng cho phép các máy bay của NATO có cơ hội thử nghiệm khả năng tác chiến trong môi trường thực tế và thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác.
Mối quan hệ Nga - Mỹ leo thang căng thẳng khi vào ngày 1/2 khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi INF, với cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 vi phạm hiệp ước.
Đến ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ký sắc lệnh dừng tham gia hiệp ước này. Đồng thời, Moscow nhiều lần kịch liệt phản đối động thái của Mỹ, cho rằng đây là cái cớ để Mỹ chạy đua vũ trang.