Bộ Quốc phòng Nga tuần trước đã công bố đoạn video về những gì họ tuyên bố là 2 chiến đấu cơ đã đuổi máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ ra khỏi không phận Nga, CNN cho biết.
Nhưng điều này không thực sự chính xác. Máy bay quân sự Mỹ và Nga thường xuyên gặp nhau trên không phận quốc tế. Không quân Mỹ mô tả vụ việc này là sự tương tác thường lệ giữa máy bay ném bom B-52 của Mỹ với tiêm kích Su-27 của Nga.
“Các phi công sử dụng hệ thống liên lạc và hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế. Chiến đấu cơ của Nga không đuổi B-52 ra khỏi không phận và máy bay có thể đã hoàn thành nhiệm vụ nên quay trở lại”, Trung tá Davina Petermann, phát ngôn viên Không quân Mỹ tại châu Âu nói với CNN.
Tuy nhiên, những cuộc “chạm trán” giữa không trung như vậy xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga đang leo thang. Gần đây, Không quân Mỹ đã triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 có khả năng tấn công hạt nhân đến châu Âu, để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với đồng minh NATO trong khu vực.
Tiêm kích Su-27 bay phía sau máy bay ném bom chiến lược B-52 trong một cuộc gặp gỡ trên biển Baltic vào năm 2017. Ảnh: Không quân Mỹ. |
B-52 đến Anh vào cuối tuần trước như là một phần của cuộc phô trương lực lượng. Mỹ đã triển khai máy bay ném bom đến Anh và hơn 1.000 binh sĩ đến Ba Lan, khi mối lo ngại gia tăng về việc Nga sẽ triển khai máy bay ném bom đến bán đảo Crimea.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu vũ khí mới mà theo ông được thiết kế để xuyên thủng lá chắn tên lửa và có thể tấn công lục địa Mỹ.
Quan hệ song phương giữa Washington và Moscow đã xuống mức thấp như những năm Chiến tranh Lạnh, sau khi Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Cuối năm 2018, Nga đã điều động máy bay ném bom chiến lược Tu-160 có khả năng hạt nhân bay đến Venezuela để tập trận, báo hiệu sự sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự ở phía đông bán cầu.
Những điều này có thể kéo theo cuộc chạy đua vũ trang chiến lược mới, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). Washington tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận INF, trừ khi Moscow tuân thủ trở lại các điều khoản. Moscow cũng đình chỉ tham gia hiệp ước như một biện pháp trả đũa.
Các nhà phân tích từ lâu đã cảnh báo nguy cơ xảy ra va chạm trên không có thể leo thang thành xung đột ngoại giao, thậm chí là quân sự. Một số dẫn bằng chứng về cuộc khủng hoảng ngoại giao xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2001, khi một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Trung Quốc sau khi va chạm với máy bay chiến đấu của Bắc Kinh.
Sự cố đó suýt lặp lại vào năm ngoái, khi một máy bay trinh sát của Mỹ hoạt động trên không phận quốc tế ở Biển Đen, đã bị một máy bay chiến đấu của Nga tiếp cận theo cách mà Không quân Mỹ mô tả là không an toàn và không chuyên nghiệp.
Tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết ông không tin Tổng thống Putin muốn tấn công các đồng minh của Mỹ, ít nhất không phải theo cách thông thường. Nhưng ông vẫn đánh giá cao những rủi ro do tính toán sai lầm.