Sau ba ngày chiến sự, quân đội Nga đã kiểm soát một bộ phận đáng kể lãnh thổ Ukraine. Tuy vậy, họ gần như chưa chiếm được các thành phố lớn - bao gồm thủ đô Kyiv hay Kharkiv - thành phố lớn thứ hai đất nước.
Giữa căng thẳng, cả hai bên đều tìm cách tạo lợi thế trên “đấu trường” dư luận quốc tế qua “cuộc chiến” thông tin. Sau thời gian tạm yếu thế, Nga dường như đang muốn “phản công” trên mặt trận này.
Trong khi đó, các nước phương Tây đang tích cực chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga. Các cuộc biểu tình vì hòa bình cũng diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Chiến sự giằng co
Tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng trong ngày thứ ba của cuộc chiến. Điểm nóng hiện nay là thủ đô Kyiv. Quân Nga được cho là tiến công trên nhiều hướng vào thành phố và đã chiếm được sân bay Hostomel, ngoại ô Kyiv.
Tuy vậy, đà tiến công của quân Nga dường như đã chậm lại do khó khăn hậu cần và “sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine”, theo Bộ Quốc phòng Anh. Các cuộc giao tranh diễn ra trên đường phố. Tiếng súng có thể được nghe thấy ở nhiều địa điểm tại Kyiv.
Binh sĩ Ukraine bên một xe quân sự bị phá hủy tại Kyiv, ngày 26/2. Ảnh: AP. |
“Chúng ta đã đứng vững và đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của đối thủ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu ngày 26/2. “Chiến sự đang tiếp diễn ở nhiều thành phố và quận huyện của đất nước chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng bản thân đang bảo vệ đất nước, bảo vệ tương lai con em mình”.
Ngoài Kyiv, quân Nga còn tổ chức tấn công ở cả miền Đông và miền Nam Ukraine, với tâm điểm là hai thành phố Kharkiv (miền Đông) và Kherson (miền Nam). Thành phố hơn 100.000 dân Melitopol thuộc tỉnh Zaporizhzhia cũng đã rơi vào tay quân Nga.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ mở rộng tiến công từ “mọi hướng”. "Sau khi phía Ukraine từ chối đàm phán, hôm nay, tất cả đơn vị được ra lệnh mở rộng tiến công từ mọi hướng theo kế hoạch tác chiến", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói hôm 26/2.
Cuộc xung đột đã khiến hơn 100.000 người Ukraine rời đất nước tới các nước láng giềng. Chỉ tính riêng Ba Lan đã đón hơn 100.000 người, tính từ khi chiến sự nổ ra hôm 24/2. Hungary, Moldova, Romania hay Slovakia cũng tiếp nhận một số lượng người tị nạn Ukraine qua biên giới trên bộ.
Quốc tế phản ứng
Trước những diễn biến mới nhất trên thực địa, các nước phương Tây đang thảo luận về kế hoạch ban hành thêm các lệnh cấm vận nhằm vào Nga.
Hôm 26/2, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte và một thống đốc ngân hàng trung ương châu Âu tiết lộ phương Tây đã tiến gần với quyết định đình chỉ Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), hệ thống thanh toán liên ngân hàng hàng đầu thế giới.
Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận của Hungary, dù Thủ tướng Viktor Orbán được cho là có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cộng hòa Cyprus - quốc gia nhận được nhiều đầu tư từ Nga - cũng đã chấp thuận.
Một số quốc gia cũng đã tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv. Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp thuận gói viện trợ trị giá 350 triệu USD - bao gồm cả vũ khí chống tăng và vũ khí phòng không. Cộng hòa Czech, Hà Lan cũng tuyên bố kế hoạch gửi viện trợ quân sự.
Người Ukraine trú ẩn trong một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Kyiv, ngày 26/2. Ảnh: AP. |
Đặc biệt, chính phủ Đức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới vùng chiến sự để cho phép Hà Lan gửi 400 súng phóng lựu cho Ukraine. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách của quốc gia này.
Không chỉ các chính phủ, người dân ở nhiều quốc gia cũng bày tỏ sự phản đối với hành động của Nga.
Tại Sydney, Australia, hàng trăm người biểu tình mang cờ Ukraine giữa trời mưa nặng hạt và hô khẩu hiệu phản đối chiến tranh. Một số người yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison ban hành các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn, thậm chí bao gồm việc cấm người Nga tới Australia.
Tại Tokyo, nhiều người Nga, Ukraine và Nhật Bản cũng tụ tập biểu tình tại quận trung tâm Shibuya để phản đối quyết định tiến hành chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin.
Trong khi đó, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous tuyên bố đã tấn công website của Bộ Quốc phòng Nga trên Twitter lúc 2h57 hôm 26/2 (giờ Việt Nam). Dữ liệu bị đánh cắp gồm thông tin cá nhân của một số quan chức. Nhóm hacker này tuyên bố tiến hành “chiến tranh mạng” chống Nga một ngày trước đó.
Cuộc chiến thông tin
Bước sang ngày thứ ba của cuộc xung đột, một mặt trận mới nổi lên bên cạnh chính trị - ngoại giao. Đó là cuộc chiến thông tin.
Kênh truyền hình Zvezda của quân đội Nga công bố một đoạn video được cho là ghi lại hình ảnh 82 binh lính Ukraine phòng thủ đảo Zmiinyi (hay còn có tên “đảo Rắn”) tới Sevastopol sau khi đầu hàng.
Trước đó, theo thông tin từ Ukraine, toàn bộ 13 binh sĩ nước này đóng trên đảo đã thiệt mạng khi Nga tấn công, sau khi đáp trả “hãy biến đi” khi phía Nga kêu gọi đầu hàng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sẽ phong anh hùng cho 13 binh sĩ tử trận.
Người tị nạn từ Ukraine sang Moldova, ngày 26/2. Ảnh: AP. |
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cũng tuyên bố Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã rời thủ đô Kyiv để tới thành phố miền Tây Lviv, và những video tại Kyiv được ông Zelensky đăng tải trên mạng xã hội đã được quay từ trước đó.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết ông Zelensky từ chối rời Ukraine dù nhận được đề nghị, theo Washington Post.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tố cáo Kyiv từ chối đàm phán, trong khi phía Ukraine tuyên bố cáo buộc của Nga là sai lệch, và Nga đã đưa ra các điều kiện “không thể chấp nhận”.
Nga cũng đã hạn chế quyền truy cập đối với Facebook và Twitter - hai trong số các mạng xã hội có nhiều người dùng nhất thế giới - trên lãnh thổ nước mình.
Trên thực tế, “cuộc chiến thông tin” giữa Nga với phương Tây đã bắt đầu từ nhiều tháng trước, khi các thông tin về sự tập trung lực lượng của Moscow gần biên giới với Ukraine xuất hiện.
Quyết định bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga khiến nước này tạm thời yếu thế về mặt truyền thông trước phương Tây. Dù vậy, dường như nước này đang tìm cách chiếm lại thế thượng phong trong định hình dư luận thế giới.
“Bất kỳ điều gì được đọc hay nghe thấy về cuộc khủng hoảng tại Ukraine - dù đến từ phe nào - đều cần được nhìn với con mắt nghi ngờ”, nhà phân tích người Ấn Độ Brijesh Singh nhận định.