Theo Washington Free Beacon cơ quan tình báo Mỹ phát hiện việc thử nghiệm tàu ngầm không người lái mà Lầu Năm Góc gọi là Kanyon diễn ra vào ngày 27/11. Tàu ngầm không người lái được phóng ra từ tàu ngầm lớp Sarov, tàu ngầm bí mật của Nga chuyên thực hiện nhiệm vụ thử nghiệm vũ khí mới.
Vị trí và kết quả thử nghiệm không được tiết lộ. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis từ chối bình luận. “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các diễn biến quân sự dưới nước của Nga nhưng chúng tôi sẽ không bình luận cụ thể”, đại úy Davis nói.
Quá trình phát triển tàu ngầm không người lái của Nga được Washington Free Beacon tiết lộ lần đầu trong tháng 9/2015. Hai tháng sau đó, truyền thông Nga để lộ bí mật về chương trình này khi phát sóng trên truyền hình.
Bản vẽ hệ thống vũ khí Status-6 do truyền thông Nga vô tình tiết lộ. Ảnh: Defence News |
Chương trình tàu ngầm không người lái của Nga được gọi là “Hệ thống vũ khí Status-6”. Phòng Thiết kế trung ương Rubin chịu trách nhiệm thiết kế và phối hợp với tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga để chế tạo.
Theo tài liệu được truyền thông Nga tiết lộ vào ngày 10/11/2015, vũ khí mới là một phương tiện tự hành dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với phạm vi hoạt động tới gần 10.000 km. Status-6 có thể lặn sâu tối đa 1.000 m, tốc độ tối đa tới 56 hải lý/giờ.
Mục đích của Status-6 là tạo ra vụ nổ hạt nhân dưới nước nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng cảng biển của đối phương, tạo ra lượng bụi phóng xạ khổng lồ làm tê liệt sự sống ở khu vực đó trong nhiều năm.
Tình báo Mỹ nhận định tàu ngầm không người lái Status-6 sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân cực mạnh có lượng nổ khoảng 100 MT, tương đương hàng triệu tấn thuốc nổ TNT. Vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công vào các cảng biển quan trọng của Mỹ, bao gồm căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Sarov, tàu ngầm bí mật chuyên thử nghiệm vũ khí mới của Nga. Ảnh: Hisutton
|
Mỹ có 2 căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược chính ở Kings Bay, Georgia và Puget Sound ở bang Washington. Các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã cảnh báo về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Nga trong những năm gần đây, khi Moscow thông qua học thuyết quân sự mới phụ thuộc nhiều vào vũ khí hạt nhân.
Mark Schneider, cựu quan chức Lầu Năm Góc, cho biết việc thử nghiệm tàu ngầm không người lái có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tạo ra mối đe dọa chiến lược dưới nước mới.
Trước đó báo Rossiyskaya Gazeta của Nga cho biết để tạo ra được lượng bụi phóng xạ lớn, Status-6 có thể sử dụng loại bom hạt nhân được gọi là bom coban.
“Bom coban là khái niệm vũ khí ngày tận thế được hình thành trong Chiến tranh Lạnh, nhưng dường như chưa bao giờ thực sự được phát triển”, ông Schneider nói.
Nga dự định phát triển nguyên mẫu Status-6 và bắt đầu thử nghiệm trong năm 2019. Bill Gertz, phóng viên kỳ cựu của New York Times, tác giả của 6 cuốn sách về an ninh quốc gia, nhận định cuộc thử nghiệm ngày 27/11 có thể là chiêu cố ý đánh lừa Mỹ về tốc độ phát triển của chương trình Status-6.