Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia Mỹ: Lực lượng tàu ngầm Nga vẫn kém Mỹ

Chuyên gia nghiên cứu về Hải quân Nga nhận định, lực lượng tàu ngầm nước này đang trong giai đoạn hồi sinh nhưng năng lực tác chiến tổng thể vẫn kém xa Mỹ.

Tạp chí National Interest cho biết, các quan chức Lầu Năm Góc và hải quân cảnh báo sự hồi sinh của Hải quân Nga đang đe dọa ưu thế của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, Lầu Năm Góc đã lo lắng quá mức trước sự hồi sinh của Nga, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm.

Các chuyên gia đưa ra khá nhiều ý kiến về sự hồi sinh và sức mạnh của tàu ngầm Nga. Nhưng họ có cùng nhận định, lực lượng tàu ngầm Nga hiện nay chỉ bằng một phần 5 so với Liên Xô những năm Chiến tranh Lạnh, và chỉ khoảng một nửa số tàu ngầm có khả năng hoạt động cùng lúc dưới đáy biển.

Tuy nhiên, hạm đội tàu ngầm Nga đang hồi sinh kể từ khi hoạt động của lực lượng tàu ngầm xuống mức thấp nhất những năm hậu Chiến tranh Lạnh. “Vào thời điểm các nguồn lực trở nên khan hiếm trên diện rộng, Hải quân Nga đã có những bước dịch chuyển ngắn”, Micheal Kofman – nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các vấn đề quân sự của Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân nói với tạp chí National Interest.

Hồi sinh từ "đống tro tàn"

Ham doi tau ngam Nga anh 1
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei - trụ cột trong sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga. Ảnh: Military Today

Năng lực hoạt động của hạm đội tàu ngầm Nga được cho là xuống mức thấp nhất sau khi tàu ngầm nguyên tử K-141 Kursk bị chìm do vụ nổ ngư lôi vào ngày 12/8/2000. Vụ tai nạn phơi bày tình trạng tồi tệ trong việc duy trì hoạt động, đào tạo yếu kém của Hải quân Nga.

Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tai nạn thảm khốc của tàu ngầm nguyên tử K-141 là do khó khăn kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ. Về cơ bản, những tàu chiến của Hải quân Nga ra vào cảng với tình trạng rỉ sét trong nhiều năm do thiếu tiền bảo dưỡng.

Thủy thủ đoàn không được đào tạo đúng cách và thiếu kinh nghiệm vận hành, thậm chí họ còn không được trả lương. “Thuyền trưởng tàu ngầm Kursk nhận lương chỉ khoảng vài trăm USD mỗi tháng trước khi gặp nạn. Đó được xem là thời điểm bi kịch của Hải quân Nga”, Kofman nói.

Đầu những năm 2000,  điện Kremlin đã thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ để nâng cao không chỉ sức mạnh tác chiến mà còn điều kiện đãi ngộ và chất lượng nhân sự. Hải quân Nga đã có những bước tiến đáng kể trong việc đào tạo thủy thủ đoàn.

Ông Kofman nhận xét, Hải quân Nga đã chuyển từ sử dụng lính nghĩa vụ sang quân nhân chuyên nghiệp, vấn đề này thường bị bỏ qua. Hầu hết các cuộc thảo luận ở Lầu Năm Góc đều tập trung vào trang thiết bị mà xem nhẹ sự chuyển biến về nhân sự.

Bên cạnh bước chuyển biến về nhân sự, hạm đội tàu ngầm Nga đang tiếp nhận nhiều tàu ngầm tiên tiến. Đáng chú ý nhất là tàu ngầm hạt nhân chiến lược Đề án 955, lớp Borei. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới sẽ thay thế dần cho tàu ngầm lớp Delta-III.

Chuyên gia nghiên cứu về quân sự Nga nhận định, Moscow sẽ đóng mới khoảng 8 tàu ngầm lớp Borei, vì đây là một trong những trụ cột trong năng lực răn đe hạt nhân của Nga. Tài trợ cho dự án là ưu tiên cao đối với Nga.

Ngoài ra, Hải quân Nga cũng đưa vào vận hành tàu ngầm tấn công hạt nhân Đề án 885, lớp Yasen được đánh giá là đối thủ đáng gờm đối với tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ.

Năng lực tổng thể còn hạn chế

Những năm Chiến tranh Lạnh, Hải quân Liên Xô có khoảng 250 tàu ngầm. Hạm đội tàu ngầm Nga hiện nay chỉ bằng một phần 5 so với trước, chỉ khoảng một nửa số tàu ngầm sẵn sàng hoạt động ở mọi thời điểm.

“Một trong những điều khó hiểu nhất mà tôi từng nghe được khi người ta nói rằng, các tàu ngầm Nga đang hoạt động trở lại ở cấp độ Chiến tranh Lạnh trước đây. Đó là điều không thể. Tôi ước tính khoảng 50% số lượng tàu ngầm Nga ở trạng thái sẵn sàng hoạt động là đã rất hào phóng”, ông Kofman nói.

Ham doi tau ngam Nga anh 2
Yasen - tàu ngầm tấn công hạt nhân hiện đại nhất của Nga gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa vào hoạt động. Ảnh: Russian Defence

Mặt khác, Hải quân Nga đang gặp khó khăn trong việc đưa tàu ngầm mới vào hoạt động. Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen là một điển hình. Tàu ngầm này phải mất nhiều năm để thử nghiệm và chỉ mới được đưa vào hoạt động trong năm nay.

“Yasen có một lịch sử phát triển và thử nghiệm đầy khó khăn, kéo dài trong nhiều năm cho thấy nó gặp nhiều vấn đề kỹ thuật cần khắc phục”. Ông cho rằng, Nga nên tập trung vào những thiết kế tàu ngầm nhỏ, ít phức tạp để sản xuất với số lượng lớn nhằm tái cơ cấu hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân.

Thực tế Nga đang tiếp tục đóng mới tàu ngầm tấn công điện-diesel Đề án 636 Kilo sau khi Đề án 677 Lada không thành công. Tuy nhiên, Kilo đã trải qua khá nhiều năm hoạt động, ông Kofman cho rằng, Nga cần một thiết kế tàu ngầm mới.

Tàu ngầm điện-diesel thế hệ tiếp theo của Nga là Kalina sẽ bắt đầu được đóng mới vào năm 2017. Tàu ngầm này nhiều khả năng sẽ được trang bị hệ thống động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP). “Nhưng dường như người Nga đang gặp rắc rối với loại động cơ này”, ông nhận định.

Ông Kofman kết luận, hạm đội tàu ngầm nói riêng và hải quân nói chung đang trên đà phục hồi, nhưng vẫn là “cái bóng” của Hải quân Liên Xô trước đây. Vấn đề đối với Mỹ và NATO hiện nay là cần phải khôi phục năng lực tác chiến chống ngầm vốn bị cắt giảm nhiều từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nga sắp đóng loạt siêu hạm mang 200 tên lửa

Bộ Quốc phòng Nga sẽ ký hợp đồng mua 12 siêu hạm Đề án 23.560 Leader với lượng choán nước tới 17.500 tấn và có thể mang theo 200 tên lửa mỗi tàu.

Nga vật lộn với chương trình tàu sân bay mới

Những khó khăn về tài chính và năng lực công nghiệp đóng tàu cỡ lớn khiến chương trình tàu sân bay năng lượng hạt nhân của Nga phải kéo dài đến sau năm 2020.



Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm