Những năm Chiến tranh Lạnh, Hải quân Liên Xô được đánh giá là lực lượng có sức mạnh tác chiến thứ 2 thế giới, sau Hải quân Mỹ. Sau khi Liên Xô tan rã, Hải quân Nga kế thừa hầu hết sức mạnh do Liên Xô để lại.
Tuy nhiên, khó khăn kinh tế thời hậu Xô viết khiến sức mạnh quân đội Nga nói chung và hải quân nói riêng giảm sút nghiêm trọng. Các tàu chiến nhanh chóng lỗi thời, khó đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại. Đặc biệt, lực lượng hải quân lớn thứ 2 thế giới chỉ có một tàu sân bay mang tên Đô đốc Kuznetsov.
Hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov gặp rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, đặc biệt động cơ. Bên cạnh đó, Kuznetsov sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” nên không thể triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Một hàng không mẫu hạm ngang ngửa Nimitz của Mỹ vẫn là giấc mơ dang dở của Hải quân Nga.
Kế hoạch thay thế Kuznetsov khó khăn
Theo Global Security, những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng lên kế hoạch đóng siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đề án 1143.7, lớp Ulyanovsk có lượng giãn nước toàn tải 75.000 tấn (tương đương 75% tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ).
Đề án 1143.7 có đường băng kết hợp “nhảy cầu” và máy phóng hơi nước. Hàng không mẫu hạm này có thể mang theo tổng cộng 68 máy bay các loại (gần gấp đôi so với Kuznetsov). Con tàu được đặt ky vào ngày 25/11/1988 tại nhà máy đóng tàu Nikolayev (thuộc Ukraine ngày nay).
Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga. Ảnh: Bộ Quốc Phòng Nga. |
Sau khi Liên Xô tan rã, dự án bị hủy bỏ vào năm 1991 khi mới hoàn thành được 20% khối lượng công việc. Kế hoạch đóng siêu tàu sân bay của Hải quân Nga chìm vào quên lãng vì khó khăn kinh tế thập niên 90.
Đầu những năm 2000, kinh tế Nga bắt đầu phục hồi, quân đội bắt đầu quá trình hiện đại hóa cho phép khởi động lại kế hoạch đóng tàu sân bay mới thay thế Kuznetsov. Đô đốc Vladimir Kuroyedov – cựu tư lệnh Hải quân Nga vào năm 2005 từng nói với hãng tin Interfax rằng, Hải quân Nga đang tiến hành dự án phát triển tàu sân bay mới.
“Chúng tôi đang phát động dự án phát triển tàu sân bay mới vào năm 2005, quá trình đóng mới có thể bắt đầu từ năm 2010”. Tuy nhiên, tháng 7/2006, ông Vladislav Putilin – Phó chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng nói rằng, chương trình phát triển vũ khí quốc gia giai đoạn 2007-2015 không có kế hoạch đóng mới tàu sân bay.
Đến tháng 7/2007, Tư lệnh Hải quân Nga lúc đó là Đô đốc Vladimir Masorin nói rằng, việc đóng mới tàu sân bay cho Hải quân Nga sẽ tốn rất nhiều thời gian. “Đây là hoạt động rất tốn kém, do đó cần phải chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu là duy trì hoạt động tàu sân bay hiện có để đảm bảo không mất kỹ năng vận hành tàu sân bay. Giai đoạn tiếp theo sẽ kết hợp với Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng trong nước để nghiên cứu khả năng đóng mới loại tàu cỡ lớn như tàu sân bay”.
Đô đốc Masorin cho biết thêm, tàu sân bay của Nga sẽ không lớn, không giống siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ và đủ rẻ đối với năng lực tài chính của Nga. Cuối năm 2007, Đô đốc Masorin đề xuất đóng mới tàu sân bay có lượng giãn nước 40.000 tấn.
Tuy nhiên, các kế hoạch đóng mới tàu sân bay của Nga chỉ dừng lại ở tuyên bố của các quan chức quân đội. Các cột mốc khởi động dự án liên tục bị trì hoãn. Ngoài khó khăn về tài chính, cơ sở duy nhất từng đóng tàu sân bay Kuznetsov đã thuộc quyền kiểm soát của Ukraine. Do đó, Nga phải tìm cách để gây dựng lại ngành công nghiệp đóng tàu sân bay.
Hồi sinh dự án đầy tham vọng
Arms Expo ngày 30/6 dẫn nguồn tin Tổ hợp Công nghiệp Đóng tàu Nga cho biết, Nga sẽ khởi động dự án đóng mới tàu sân bay vào năm tới, hợp đồng chính thức có thể được ký kết vào năm 2025. “Hiện nay, các công việc đang được tiến hành và từ năm 2020 sẽ tiến hành cụ thể các bước theo kế hoạch. Tàu sân bay sẽ được ra mắt trước năm 2030”, người phát ngôn của Tổ hợp Công nghiệp Đóng tàu nói.
Mô hình siêu tàu sân bay Đề án 23000E Storm của Hải quân Nga. Ảnh: Sputnik |
Dự án tàu sân bay mới được gọi là 23000E Storm. Theo mô hình tàu do Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Krylov trưng bày trong tháng 5/2015 cho thấy, 23000E Storm có thiết kế rất giống với Đề án 1143.7 trước đây với một vài cải tiến về tháp chỉ huy.
Tàu có chiều dài 330 m, rộng 40 m, mớn nước 11 m, lượng giãn nước toàn tải tới 100.000 tấn (tương đương với siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz). Tàu có thể mang theo 90 máy bay. Đường băng trên tàu sẽ kết hợp giữa “nhảy cầu” và máy phóng.
23000E Storm sẽ được trang bị hệ thống động lực hạt nhân, tốc độ tối đa khoảng 30 hải lý/giờ. Global Security cho biết, dựa vào mô hình tàu mà Trung tâm Krylov công bố, siêu hàng không mẫu hạm mới của Nga có thể mang theo các máy bay chiến đấu hiện đại như MiG-29K, tiêm kích tàng hình T-50 và máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Yak-44E.
Nhận xét về dự án tàu sân bay đầy tham vọng của Nga, ông Dmitry Gorenburg – chuyên gia về Hải quân Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Arlington, Virginia, Mỹ ngày 24/3/2015 nói với Moscow Times rằng:
“Không một ụ tàu nào ở Nga có thể chứa một tàu lớn như vậy, hoặc người ta sẽ phải cố gắng xây dựng 2 nửa của con tàu ở các nhà máy khác nhau và hàn chúng lại tại Sevmash – nhà máy đóng tàu quân sự lớn nhất của Nga”.