Ngày 9/12, Reuters dẫn lời quan chức năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tập đoàn Rosatom, Nga đã ngừng công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước này.
Đây là một trong những phản ứng mới nhất mà Moscow áp dụng trong chuỗi các biện pháp trừng phạt sau sự cố Su-24, theo Reuters.
Vị quan chức cho biết thêm, tập đoàn nhà nước Nga không chấm dứt hợp đồng xây dựng dự án trị giá 20 tỷ USD vì làm như vậy sẽ phải chịu khoản bồi thường lớn. Tuy nhiên, phía Ankara đã tìm được ứng viên khác để tiếp tục công việc, vị quan chức nói.
Bãi tập kết vật liệu tại dự án nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DHA |
Năm 2013, Rosatom được chỉ định làm nhà thầu chính để xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân với công suất 1.200 megawatt. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên là nỗ lực của Ankara trong việc giảm sự phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu điện năng từ các quốc gia khác.
Tập đoàn Rosatom cam kết sẽ hoàn thành lò phản ứng đầu tiên ở Akkuyu , phía nam Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga khiến dự án chậm tiến độ.
Ngày 24/11, tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bắn hạn cường kích Su-24 của Nga đang làm nhiệm vụ ném bom IS. Phía Ankara cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận nước này. Trong khi đó, Nga cũng đưa ra bằng chứng phủ nhận xâm phạm không phận.
Vụ việc đã dẫn đến căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa Moscow và Ankara kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trước đó, Bộ Nông nghiệp Nga đã ra lệnh cấm nhập khẩu một số thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Nga cũng ngưng chính sách miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, Nga đang áp dụng chính sách “thanh lọc sắc tộc” ở tỉnh Latakia nhằm tách những người Sunni và Turkmen để tạo vùng đệm an toàn cho căn cứ ở khu vực này.
“Nga đang cố gắng loại những người Sunni và Turkmen ra khỏi mối liên hệ với chính quyền. Họ muốn đuổi, xóa sổ những người này khỏi khu vực nhằm bảo vệ căn cứ của họ ở Latakia và Tartus”, Thủ tướng Davutoglu nói.
|