Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga lên tiếng sau khi không có tuyên bố chung về vũ khí hạt nhân

Trong văn kiện cuối của Hội nghị về Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT), các phái đoàn phương Tây bày tỏ lo ngại về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát.

“Ukraine và các giám sát viên phương Tây phải chịu trách nhiệm khi không thể thông qua văn kiện cuối cùng trong Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Andrey Belousov, phó Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Geneva, nói hôm 26/8.

Bản dự thảo văn kiện cuối cùng bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động quân sự xung quanh các nhà máy điện của Ukraine, bao gồm cả nhà máy do lực lượng Nga kiểm soát Zaporizhzhia. Hiện nhà máy vẫn được các nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành.

Zaporizhzhia là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, sản xuất 19% lượng điện của Ukraine trong năm 2020. Cả Ukraine và Nga đều cáo buộc phía còn lại tấn công nhà máy. Kể từ khi cuộc xung đột bùng phát, 3/6 lò phản ứng đã ngưng hoạt động.

Giai tru hat nhan anh 1

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AP.

Các phái đoàn phương Tây nhấn mạnh cần phải gửi một phái đoàn của IAEA tới kiểm tra khu vực này sớm nhất có thể, theo TASS.

“Các quốc gia này, cụ thể là Ukraine và các giám sát viên phương Tây, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thiếu kết quả tích cực trong việc xem xét tài liệu cuối cùng”, ông Belousov nói.

Ông Belousov cho rằng hội nghị đã trở thành “con tin chính trị” trong suốt bốn tuần thảo luận. Ông tố cáo phía phương Tây đã đưa ra những tuyên bố chính trị hóa, thiên vị, vô căn cứ và sai sự thật về Ukraine.

“Họ đã làm mọi thứ để ngăn chặn một hội nghị mang tính xây dựng, hiệu quả và hướng đến kết quả. Họ áp đặt ngôn ngữ chính trị, sẵn sàng hy sinh kết quả của quá trình xem xét NPT kéo dài nhiều năm để đối đầu với Nga, nêu lên những chủ đề không liên quan trực tiếp đến Hiệp ước”, ông Belousov khẳng định.

Phái đoàn Nga cho rằng trọng tâm các văn kiện của hội nghị nên là các vấn đề toàn cầu, thay vì chính trị hóa một tình huống cụ thể vốn có thể giải quyết trong tương lai gần.

“Cách tiếp cận của các quốc gia này đi ngược lại với các vấn đề ưu tiên. NPT đang tạo ra một bầu không khí tích cực, đưa thế giới đi theo con đường giải trừ vũ khí hạt nhân. Điều này đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả quốc gia”, ông nói thêm.

Nhiều quốc gia, không chỉ có Nga, không đồng tình với nhiều vấn đề được đề cập trong 36 trang cuối cùng của bản thảo. Tại kỳ họp đánh giá năm 2015, các bên cũng không đạt được đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung.

Nga phản đối tuyên bố chung về vũ khí hạt nhân tại Liên Hợp Quốc

Hội nghị về Không phổ biến Vũ khí hạt nhân kéo dài một tháng tại trụ sở Liên Hợp Quốc hôm 26/8 đã không đưa ra tuyên bố chung sau khi không thể thống nhất nội dung văn kiện cuối.

WSJ: Phái bộ IAEA sẽ đến nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia vào tuần sau

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang chuẩn bị đến thăm nhà máy Zaporizhzhia của Ukraine do Nga kiểm soát trong tuần tới để đánh giá về tính an toàn của cơ sở này.

Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm