Cụ thể, ông Rogozin cho biết trên kênh truyền hình Nga-24 ngày 22/3: "Đây là một tên lửa đạn đạo hạng nặng có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa và xé nát chúng thành từng mảnh, bất kể hiện tại hay tương lai".
Theo người đứng đầu ngành vũ trụ Nga, các doanh nghiệp sẽ tuân thủ chặt chẽ tiến độ đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng Nga.
Sputnik cho biết Sarmat được phát triển từ năm 2011. Năm 2018, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng sẽ tích cực đưa Sarmat vào giai đoạn thử nghiệm và dự kiến phóng thử vào đầu năm 2019. Loạt tên lửa Sarmat đầu tiên sẽ đi vào biên chế quân đội Nga năm 2021.
Nga sẽ sớm triển khai tên lửa Sarmat. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Theo hãng tin Sputnik, tên lửa Sarmat có tầm bắn tới 11.000 km, là loại vũ khí chiến lược mới nhất có thể mang tới 24 đầu đạn hạt nhân hoạt động độc lập (MIRVs). Chúng có thể tự đổi hướng để tránh bị đánh chặn. Đây là minh chứng cho nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Moscow nhằm ổn định chiến lược toàn cầu, trong bối cảnh Washington lên kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến.
Cũng theo ông Rogozin, một khi "đứng trong hàng ngũ", Sarmat sẽ trở thành trụ cột chính của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Ông khẳng định "sát thủ" chiến lược này có thể mang tới 24 đầu đạn siêu thanh Avangard và có khả năng tiêu diệt toàn bộ nước Mỹ.
Khi được triển khai, tên lửa Sarmat có thể đe dọa các sáng kiến của Lầu Năm Góc, bao gồm nỗ lực chế tạo lá chắn phòng thủ tên lửa tối tân và chương trình loại bỏ các vũ khí dẫn đường chính xác khác của đối thủ.