RT dẫn lời ông Viktor Bondarev, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (tức thượng viện) Nga, ngày 18/3 nói việc Mỹ triển khai hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 tại Romania là một "thách thức nghiêm trọng" với Nga.
Để đáp trả, "Bộ Quốc phòng Nga quyết định triển khai các phi đội máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang tên lửa Tu-22M3 tại căn cứ không quân ở thị trấn Gvardeysk thuộc Crimea", theo ông Bondarev.
Ông cho biết thêm rằng các hệ thống tên lửa tối tân của Nga, bao gồm S-300 và S-400, Buk-M2, Pantsir-S1 và hai phiên bản cải biến của hệ thống Iskander, cũng được triển khai trên bán đảo này. Các biện pháp "sẽ cho phép Nga đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ lãnh thổ châu Âu", theo RT.
Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Phi đội Tu-22M3 tại Crimea sẽ được hiện đại hóa và trang bị các vũ khí mới trong vài năm tới. Theo ông Bondarev, người đứng đầu lực lượng không quân Nga giai đoạn 2012-2015, điều này cho phép máy bay "phóng đầu đạn đến bất cứ điểm nào tại châu Âu, tấn công bất kỳ cơ sở phòng thủ tên lửa hay phòng không nào của kẻ thù".
Tuyên bố của ông Bondarev được đưa ra trong ngày Moscow kỷ niệm 5 năm sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga.
Mỹ triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa tại Romania vào năm 2016 và bắt đầu xây dựng tại một địa điểm khác ở Ba Lan cùng năm. Washington nói rằng điều này là cần thiết để đối phó với tên lửa đạn đạo của Iran và Triều Tiên, song Moscow tuyên bố đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.
Nga một mực cho rằng hệ thống MK-41 tại Romania có thể được dùng để phóng tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk, vốn bị cấm triển khai theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ, mà không cần phải cải biến gì.
Hồi tháng 2, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi INF, khiến Nga cũng đình chỉ thực thi thỏa thuận song phương có từ năm 1987 này. Washington nhiều lần chỉ trích Moscow vi phạm hiệp ước, nhưng Moscow bác bỏ mọi cáo buộc.